Hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện Ngày đăng: 06/08/2019
Thực hiện Nghị định số 80⁄2018⁄NĐ- CP ngày 17⁄5⁄2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị số 147⁄2003⁄NĐ- CP ngày 02⁄12⁄2003 quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; Nghị định số 135⁄2004⁄NĐ- CP ngày 10⁄6⁄2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Hội đồng nhân dân một số tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc tỉnh, cụ thể:

Tại Phú Thọ: người cai nghiện tự nguyện được hỗ trợ tiền ăn bằng 0,56 mức lương cơ sở/người/tháng; hỗ trợ tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 0,63 mức lương cơ sở/người/đợt; hỗ trợ 650.000 đồng/người/đợt tiền xét nghiệm ma túy, thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần. Người cai nghiện ma túy tự nguyện sẽ phải đóng góp tiền ăn bằng 0,24 mức lương cơ sở/người/tháng; đóng góp tiền quần áo, chăn, màn, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 0,27 mức lương cơ sở/người/đợt; cùng với các khoản tiền điện, nước sinh hoạt, tiền sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vật lý trị liệu cơ bản, chi phí sàng lọc, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm khác.

Riêng đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện là đối tượng chính sách (thương binh; người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người thuộc hộ nghèo; người cao tuổi không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) sẽ được miễn 100% các khoản đóng góp trên. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 22/7/2019.

Tại Nam Định: người cai nghiện tự nguyện được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng: 0,56 mức lương cơ sở/người, ngoài tiêu chuẩn ăn hàng ngày thường do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ và học viên đóng góp hàng tháng (tiêu chuẩn ăn hàng ngày thường được xác định là 0,8 mức lương cơ sở/người/tháng), học viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm tiền ăn trong các trường hợp: Ngày lễ, Tết dương lịch: hỗ trợ thêm 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường, các ngày Tết nguyên đán: hỗ trợ thêm 04 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường, chế độ ăn đối với học viên bị ốm do Giám đốc cơ sở cai nghiện quyết định theo chỉ định của cán bộ y tế điều trị, nhưng không thấp hơn 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân (chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với học viên nữ): 0,63 mức lương cơ sở/người/năm. Bên cạnh đó, người cai nghiện tự nguyện phải đóng góp chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường, tiền ăn hàng tháng: 0,24 mức lương cơ sở/người; tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân (chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với học viên nữ): 0,27 mức lương cơ sở/người/năm; tiền hoạt động văn nghệ thể thao: 70.000 đồng/người/năm; tiền điện, nước, vệ sinh: 80.000 đồng/người/tháng. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

Tại Long An: người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đóng góp tiền ăn hàng tháng bằng 30% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ tiền ăn của học viên cai nghiện ma túy bắt buộc. Đóng góp tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 30% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, người cai nghiện tự nguyện phải đóng góp chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường; sinh hoạt văn nghệ, thể thao; học văn hóa, học nghề (nếu bản thân đối tượng có nhu cầu); điện, nước, vệ sinh...Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/8/2019./.

 

TM