Tình hình và giải pháp tạo việc làm sau cai cho người nghiện ma túy Ngày đăng: 19/07/2014
Tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau khi được chữa trị, phục hồi là một trong những biện pháp quan trọng có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội, nhằm giúp đối tượng trở về cuộc sống bình thường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Chủ trương này thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ như Chỉ thị 33-CT⁄TW, Chỉ thị 06-CT⁄TW, Nghị quyết 06⁄CP của Chính phủ và gần đây nhất là Chỉ thị 21-CT⁄TW ngày 26⁄3⁄2008 về tiếp t

Trên thực tế, việc giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy sau khi được chữa trị, phục hồi còn nhiều hạn chế. Hàng năm, số đối tượng được tạo việc làm ở cộng đồng chỉ chiếm khoảng 10% số đối tượng được chữa trị, phục hồi. Tình hình giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trong thời gian qua được phân tích như sau:

- Về việc làm: Nhìn chung tình hình việc làm của các đối tượng sau cai là không thuận lợi, chỉ có 20% đối tượng có việc làm ổn định, 32,5% có việc làm nhưng không ổn định. Các đối tượng ở thành phố, thị xã tỷ lệ có việc làm ổn định cao hơn các đối tượng ở nông thôn. Tuy nhiên, ở cả hai nhóm đối tượng, số có việc làm ổn định luôn có tỷ lệ thấp nhất (24% với đối tượng ở thành thị và 13,3% với đối tượng ở nông thôn), tiếp đến là số có việc làm không ổn định, số đối tượng không có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất (44% và 53,3% tương ứng cho 2 nhóm đối tượng). Đa số người nghiện ma túy sau khi được chữa trị, phục hồi không có việc làm nên có nhiều khả năng tái nghiện.
Với những đối tượng có việc làm ổn định, dù ở thành phố, thị xã hay ở nông thôn, dù làm các nghề nghiệp rất khác nhau nhưng về cơ bản (85,7%) có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, chỉ 14,3% có thu nhập đủ sống và hỗ trợ thêm gia đình. Nghề nghiệp chủ yếu của các đối tượng là công nhân ở các cơ sở sản xuất (62,5%), số còn lại làm các nghề như: xe ôm, bảo vệ, làm ruộng…
- Về vị trí làm việc: hầu hết các đối tượng là người đi làm thuê (57%), một số là chủ sở hữu hoặc sở hữu một phần các công cụ, phương tiện sản xuất (14,3%). Khu vực làm việc của các đối tượng tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản xuất tư nhân (57,1%), số làm việc ở khu vực kinh tế nhà nước (28,6%), hợp tác xã chiếm tỷ lệ thấp (14,3%).
- Về thái độ của đồng nghiệp và cảm nhận của bản thân đối tượng về nơi làm việc nói chung thể hiện xu hướng tích cực. 100% số đối tượng có việc làm ổn định cho biết đồng nghiệp không mặc cảm với họ. Bản thân đối tượng phần lớn yên tâm, tự tin với chính mình (57,1%), một tỷ lệ đáng kể (28,7%) không cảm thấy có gì đặc biệt, chỉ có một số ít (14,3%) là thấy chưa tin tưởng vào chính mình và thái độ của đồng nghiệp.
- Về những yếu tố thuận lợi giúp đối tượng có việc làm, một tỷ lệ khá cao (42,9%) cho rằng đó là tạo được lòng tin với mọi người, hay có địa điểm tốt để làm nghề, 28,5% cho rằng phải có sức khỏe tốt. Không có đối tượng nào cho rằng có nghề trong tay là yếu tố thuận lợi giúp cho họ có việc làm. Đó cũng là một trong những điểm hạn chế của đối tượng. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là, đối với đối tượng nghiện ma túy, có nghề chưa chắc đã có được việc làm nếu bản thân đối tượng không có nỗ lực, cố gắng để tạo được lòng tin với mọi người, nhất là với các cơ sở có thể thu nhận lao động. Một số đối tượng không có nghề nghiệp, chỉ có lao động giản đơn hoặc có tay nghề nhưng do quá khứ mắc nghiện phần nào đã làm mất lòng tin, nhất là các cơ sở sản xuất và những chủ doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn.
Nguyên nhân dẫn tới người nghiện sau cai không tìm được việc làm, trước hết là do họ bị hạn chế về mặt thể chất và cả tâm lý. Mặc dù được điều trị tại các trung tâm, song sự suy yếu về sức khỏe, biến đổi về hình thức, phong thái vẫn còn biểu hiện rõ nét khiến cho người nghiện sau cai bất lợi khi đi xin việc. Mặt khác, ngành nghề đào tạo tại các trung tâm hiện nay tính khả thi không cao, dạy nghề mang tính đồng loạt, đa số người nghiện không thể ứng dụng những nghề được đào tạo sau khi trở về cộng đồng (ví dụ: nghề đan lát không áp dụng được khi đối tượng nghiện sống ở trung tâm của thành phố lớn như Hà Nội). Bên cạnh đó, người nghiện ma túy bị kỳ thị rất lớn bởi người tuyển dụng và bị cạnh tranh gay gắt từ phía những người được đào tạo tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề bên ngoài. Người sau cai nghiện còn gặp trở ngại do kém năng động, thiếu tự tin thậm chí là tự ti khi tiếp xúc, trả lời phỏng vấn.
Nguyên nhân của tình trạng này còn do nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể ở các cấp chưa cao, đặc biệt là chính quyền cấp xã, cộng đồng, khu phố, thôn xóm ít quan tâm đến người sau cai nghiện. Nhà nước thiếu cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào công tác cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý sau cai tại cộng đồng và hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện để phòng chống tái nghiện.
Ngoài ra còn do hỗ trợ vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện còn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số người được cai nghiện. Nhiều tỉnh, thành phố không lưu tâm, giúp đỡ, hỗ trợ vốn và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Công tác quản lý, tư vấn, giúp đỡ cho người sau cai nghiện vẫn còn mang tính hình thức và chưa được quan tâm đúng mức.
Từ thực trạng nêu trên, muốn giải quyết việc làm tốt cho người sau cai nghiện, cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là: Phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu cơ bản nhất, quan trọng nhất, quyết định việc tăng giảm việc làm. Do vậy, phải thực hiện các hoạt động nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tạo mở việc làm nhằm đạt mục tiêu ổn định việc làm cho người sau cai nghiện đã có việc làm và tạo thêm chỗ làm việc mới cho người sau cai nghiện. 
Hai là: Tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm, dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện bị thất nghiệp, thiếu việc làm, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp, thiếu việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu nhằm tạo việc làm mới và hỗ trợ giải quyết việc làm thêm cho người sau cai nghiện. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ưu đãi hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động là người sau cai nghiện.
Ba là: Tổ chức cho người sau cai nghiện bị thất nghiệp, thiếu việc làm đăng ký tìm việc làm tại các cơ sở thuộc hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước. Cung cấp các dịch vụ việc làm miễn phí đối với người sau cai nghiện chưa có việc làm đã đăng ký tìm việc bao gồm: tư vấn lựa chọn việc làm, nơi làm việc; lựa chọn nghề học; lập dự án tự tạo việc làm; tư vấn về pháp luật lao động liên quan đến việc làm; giới thiệu, bố trí việc làm; các dịch vụ việc làm khác.
Bốn là: Ủy ban nhân dân cấp xã phường có trách nhiệm phân công các ban, ngành, đoàn thể quản lý đối tượng sau cai, liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm công việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tích cực các chương trình quản lý sau cai nghiện nói chung.
Năm là: Nâng cao chất lượng dạy nghề, học nghề có chất lượng và tạo việc làm tại cộng đồng. Các địa phương cần nghiên cứu thiết lập và nâng cao năng lực cho các trung tâm làm nhiệm vụ tư vấn dạy nghề, học nghề có chất lượng và xúc tiến tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện trở về cộng đồng. Việc làm chủ yếu tập trung vào những công việc tạo ra sản phẩm, đào tạo tay nghề, thu hút nhiều lao động thủ công trình độ không cao. Trung tâm này đảm nhận luôn việc đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Các nghề sản xuất ra sản phẩm phù hợp với môi trường đô thị và các vùng phụ cận để dễ tìm việc làm tại cộng đồng và có thể sinh sống được. Tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện đạt hiệu quả cao thì các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán./.
Phan Mỹ Hạnh (Tiếng chuông)