NGƯỜI PHỤ NỮ GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ Ngày đăng: 22/07/2019
Chúng tôi gọi chị là “Bông hoa bé nhỏ” bởi dáng người của chị nhỏ nhắn, mang nét đẹp dịu dàng của người con gái Tràng An. Chị là Nguyễn Thị Tuyết - Cán bộ thuộc Tổ bếp hậu cần - kỹ thuật (phòng Kế toán - Hành chính - Quản trị, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5, Hà Nội) một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, chân thật, cần mẫn, luôn gần gũi hòa đồng và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Sinh năm 1968, là người con gái gốc Hà Nội (phường Thụy Khuê - Tây Hồ), chị Tuyết sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ chị đều là công nhân, chị là con thứ 6 trong gia đình có 7 người con. Người anh cả của chị tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và anh dũng hy sinh tại mảnh đất Quảng Trị anh hùng khi tuổi vừa tròn 20. Những năm tháng chiến tranh, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, cuộc sống của gia đình chị cũng như bao gia đình khác phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa nhưng bố mẹ chị vẫn quyết tâm nuôi nấng dạy dỗ các con được ăn học đầy đủ. Thuở nhỏ chị học trường Tiểu học Thụy Khuê và trường Trung học cơ sở Chu Văn An. Sau khi học hết cấp 3 chị tham gia học lớp Hợp tác lao động quốc tế tại Liên Xô cũ. Sau bốn năm học nơi xứ người, chị về nước, lấy chồng và chọn mảnh đất Ba Vì - Hà Tây (cũ) làm nơi sinh sống. Vợ chồng chị có hai cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu.

Năm 1999, chị được tuyển dụng vào công tác tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật với nhiệm vụ chuyên môn được giao là hộ lý chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Chị chia sẻ: “Những trẻ ở đây phần lớn đều không thể tự phục vụ cá nhân mà hầu hết phải nhờ vào sự giúp đỡ của các cán bộ nơi đây, do vậy, những cán bộ ở đây phải thực sự là những người tâm huyết, yêu nghề lắm mới có thể chăm sóc được các cháu”. Những em bé vốn sinh ra đã bị thiệt thòi vì khiếm khuyết của cơ thể, bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng với tình yêu thương vô bờ bến của chị và đồng nghiệp, các em nhỏ nơi đây được sống trong yêu thương như sống trong chính ngôi nhà ruột thịt của mình vậy.

Năm 2007, chị Tuyết được điều động về công tác tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số V (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5) và công tác tại Tổ bếp hậu cần - kỹ thuật. Hàng ngày, chị cùng những nhân viên tổ bếp phải dậy làm việc từ rất sớm. “Từ nhà vào đến cơ quan phải đi hết một tiếng đồng hồ nên ngày nắng cũng như ngày mưa, trời nóng bức hay những ngày mùa đông giá lạnh thấu xương thì cứ đều đặn từ 5h30’, tôi đã phải dắt xe ra khỏi nhà để kịp phục vụ công tác chăm sóc bữa ăn cho học viên tại đơn vị”, chị Tuyết tâm sự.

Công việc của chị là nhập thực phẩm, sơ chế và chế biến món ăn với những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, đòi hỏi chị và các đồng nghiệp phải xây dựng thực đơn bữa ăn hàng ngày sao cho khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng, thay đổi món ăn thường xuyên để học viên ăn cảm thấy ngon miệng và ăn hết khẩu phần ăn của mình. Các món ăn được chế biến chủ yếu từ thịt lợn, thịt gà, tôm, cá, trứng… tuy rất bình thường nhưng dưới bàn tay của chị lại được chế biến rất phong phú, đa dạng, các món được thay đổi liên tục, đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với khẩu vị của mọi người.

Là người có trách nhiệm cao trong công việc nên mỗi việc chị làm đều rất cẩn thận, tỉ mỉ và chi tiết để tránh việc đáng tiếc có thể xảy ra, như: lúc nhập thực phẩm chị phải chọn những mối hàng uy tín để chọn những thực phẩm tươi ngon, sạch sẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho học viên hay như các quy định trong vận hành lò hơi, các quy định về phòng chống cháy nổ luôn được chị quản lý một cách nghiêm túc nên đến ca trực của chị mọi người rất yên tâm.

Hiện nay, Tổ bếp hậu cần - kỹ thuật có 05 cán bộ thì chị Nguyễn Thị Tuyết là người nhiều tuổi nhất trong số các anh chị em. Chính vì vậy, chị thường động viên cán bộ nhân viên trong công việc chuyên môn được giao cần phải luôn luôn cố gắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của mình, tránh xảy ra sai sót trong công tác quản lý học viên cũng như trong quá trình cùng học viên phục vụ bữa ăn hàng ngày. Chị cho biết: “Học viên vào đây phần lớn đều là những người có sức khỏe không được tốt cho lắm, thường hay mắc một số các bệnh như nhiễm viêm gan siêu vi B, C, đồng nhiễm lao và có những em không may bị nhiễm HIV/AIDS, hay có những em vừa mới vào điều trị cắt cơn nên sức khỏe rất yếu. Vì vậy, chăm sóc bữa ăn hàng ngày cho học viên là trách nhiệm của chị và các đồng nghiệp. Bởi có chăm lo tốt bữa ăn hàng ngày cho học viên, học viên khỏe mạnh thì mới điều trị được nghiện, có sức khỏe học viên mới có thể lao động trị liệu, tiếp thu được những kiến thức được các thầy, cô lên lớp hay tham gia luyện tập thể thao nhằm nâng cao sức khỏe…”.

Ngoài việc ở cơ quan, chị Tuyết còn là người phụ nữ của gia đình, luôn vun vén chăm sóc cho tổ ấm của mình với người chồng và hai cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Dũng vì lý do sức khỏe nên ở nhà mở cửa hàng sửa chữa xe đạp. Cuộc sống nơi thành thị cái gì cũng vốn đắt đỏ cộng thêm thu nhập từ việc sửa xe đạp của anh cũng không được là bao nên đời sống của gia đình chị còn khó khăn. Tất cả đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ chị, có những ngày chị phải xin làm tăng ca để có thêm tiền thu nhập lo cho cuộc sống của gia đình. Vất vả là thế nhưng ánh mắt chị lúc nào cũng rạng ngời niềm vui, niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc, vui vẻ của gia đình chị là hai đứa con ngoan ngoãn và khỏe mạnh, là những giây phút luôn đầy ắp tiếng cười khi cả gia đình sum vầy bên mâm cơm buổi tối.

Nói về chị Tuyết, anh Đỗ Trọng Hùng - Cán bộ cùng Tổ bếp hậu cần - kỹ thuật chia sẻ: “Chị Nguyễn Thị Tuyết là một người đồng nghiệp tuyệt vời, bởi tấm lòng bao dung, nhân hậu trong con người chị. Trong công việc chị luôn cần mẫn, hăng say hết lòng vì công việc, luôn là người đưa ra những ý tưởng thay đổi thực đơn trong bữa ăn hàng ngày của học viên, còn trong cuộc sống hàng ngày, chị là người phụ nữ biết sẻ chia yêu thương cùng với các đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.”

Với những đóng góp tích cực của mình, chị Tuyết luôn được tập thể và cấp trên ghi nhận, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong 09 năm liền (từ năm 2009 đến 2017), chị đều đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 5 - Hà Nội, chị Tuyết xứng đáng được mọi người học tập và noi theo./.

                                                        Hoàng Khánh

 Cơ sở CNMT số 5, Hà Nội