Hội thảo "Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong Cơ sở cai nghiện ma túy công lập" Ngày đăng: 08/07/2019
Ngày 05⁄7⁄2019, tại Lâm Đồng, Câu lạc bộ các Cơ sở cai nghiện ma túy khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ tổ chức hội thảo chuyên đề lần thứ 6, năm 2019 với chủ đề "Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập". Đây là hội thảo chuyên đề nghiệp vụ được tổ chức thường niên.

 

Tham dự hội thảo có trên 170 đại biểu đến từ 12 Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) của các tỉnh: Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, CSCNMT số 2 thuộc Lực lượng TNXP TP.HCM; 04 đơn vị khách mời, gồm: Trung tâm Hỗ trợ phát triển sáng kiến cộng đồng (SCDI), Trung tâm điều trị Methadone Lào Cai, CSCNMT tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ; lãnh đạo một số sở Lao động - TBXH, Chi cục/phòng PCTNXH các tỉnh, thành phố.

Được biết, hiện nay, các CSCNMT thuộc Câu lạc bộ (CLB) có công suất tiếp nhận 6.930 người, và đang tổ chức điều trị, cai nghiện cho 5.699 người, trong đó có 5.210 người cai bắt buộc và 483 người cai tự nguyện. CSCNMT tỉnh Lâm Đồng là đơn vị có mức độ quá tải cao nhất, gấp 2 lần công suất tiếp nhận (quy mô thiết kế là 180 người, đang điều trị 361 người), và cũng là đơn vị có số người cai tự nguyện cao nhất (240/361 người). Có 02 đơn vị đã chuyển sang tự chủ một phần, các đơn vị còn lại đã có nguồn thu nhưng chưa chuyển sang tự chủ.

Với chủ đề "Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập", các thành viên CLB đều thống nhất nhận thức chung về tầm quan trọng và lợi ích của việc chuyển đổi cơ chế, bởi những lợi ích thiết thực mang lại. Đó là: (1) thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công; (2) tạo sự linh hoạt trong quản lý của người đứng đầu cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; (3) nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện của đơn vị, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị cai nghiện công lập; (4) tự chủ trong xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện nhiệm vụ, tài chính (được quyết định chi đầu tư, tự thiết lập định mức chi phù hợp, được quyết định về lương tăng thêm…); (5) đổi mới cơ chế quản lý (tổ chức bộ máy, nhân sự, biên chế), cơ chế tài chính gắn với việc nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

Tại hội thảo, một số đại biểu cũng cho biết, sự chuyển đổi cơ chế gặp không ít khó khăn do nhận thức của công chức, viên chức và người lao động chưa đồng thuận; cơ sở vật chất một số nơi còn khó khăn; cơ cấu bộ máy nhân sự chưa phù hợp, còn thiên về thuần túy bảo đảm an ninh trật tự; nguồn thu và cơ sở pháp lý tạo nguồn thu chưa thật sự rõ ràng.

Tuy nhiên, ý tưởng chuyển đổi sang cơ chế tự chủ đã được lãnh đạo các CSCNMT đánh giá là phù hợp trong điều kiện hiện nay và đa phần đã hình dung quy trình chuyển đổi đối với đơn vị của mình. Lộ trình các cơ sở cai nghiện hướng tới sự chuyển đổi vào khoảng năm 2020, 2021 khi đã tụ hội đầy đủ các yếu tố cần thiết.

Đồng thời, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thống nhất kiến nghị đối với Bộ LĐTBXH một số vấn đề, gồm: sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với công tác cai nghiện; hướng dẫn Thủ tục hành chính, trình tự thủ tục giao dịch tài chính khi CSCNMT công lập thực hiện cai nghiện cho người ngoài tỉnh; xác định lộ trình chuyển sang cơ chế tự chủ của CSCNMT công lập (theo Nghị quyết 19-NQ/TW); xây dựng mô hình chuẩn của CSCNMT thực hiện cơ chế tự chủ; xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế đánh giá giám sát, kiểm định chất lượng dịch vụ cai nghiện.

Hội nghị cũng đồng thuận việc tổ chức hội nghị lần thứ 7, năm 2020 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

Dương Đức Thành

 Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng