Nhìn nhận đúng bản chất, hiệu quả của công tác điều trị, cai nghiện Ngày đăng: 03/07/2019
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật thì việc nhận thức thiếu đầy đủ về bản chất, tác dụng, hiệu quả công tác cai nghiện cũng là tác nhân quan trọng dẫn đến sự kém hiệu quả của công tác này.

 

 

 

Khi nào tỷ lệ tái nghiện đạt yêu cầu?

Dù đã hơn 20 năm thực hiện tổng thể công tác phòng chống ma túy, nhiều chương trình hợp tác quốc tế và sau nhiều năm thực hiện Đổi mới công tác cai nghiện nhưng nhiều nhận thức về cai nghiện vẫn còn lơ mơ và ít đổi mới.

Đó là những báo cáo tỷ lệ tái nghiện hiện nay là 90%, 80%, 70%... tại các diễn đàn, hội nghị. Chưa nói đến tính xác thực của những con số, đã có thể thấy cách tính rất thiếu khoa học, mơ hồ. Tái sử dụng ma túy luôn gắn với các mốc thời gian sau cai nghiện dài hay ngắn cụ thể. Thường thời gian sau cai càng dài thì tỷ lệ tái sử dụng càng cao. Ví dụ, số liệu TP Hà Nội khảo sát năm 2003 cho thấy, tỷ lệ tái sau cai một năm là 90%, sau 2 năm là 95%, sau 3 năm là 98-100%. Cách đây một số năm, số người tái ngay sau khi ra khỏi cơ sở cai nghiện tỉnh Ninh Bình là 60%.

Chúng ta có nhiều hình thức, biện pháp cai nghiện với tính chất, thời gian khác nhau. Thời gian cai bắt buộc tại cơ sở cai nghiện từ 1-2 năm. Cai tự nguyện là 6 tháng hoặc ít hơn. Cai tự nguyện tại cộng đồng, gia đình trong 6 tháng, có khi cắt cơn trong 1-2 tuần. Tái nghiện là sử dụng lại ma túy sau khi chấm dứt thời gian hoặc chương trình cai nghiện. Như vậy, nói "xanh rờn" tỷ lệ tái nghiện 90%, có nghĩa là số không tái còn lại là 10%, bất kể ở mọi hình thức, biện pháp cai nghiện với thời gian ngắn dài khác nhau, không biết sau cai bao nhiêu lâu, một năm, 5 năm, 10 năm hay cả đời vĩnh viễn không tái nghiện?

Ở tầm quốc gia cũng như từng tỉnh, thành phố, nhiều năm qua, chúng ta chưa có điều kiện giám sát, đánh giá tình hình tất cả người sau cai nghiện khi mỗi năm hàng chục nghìn người được tham gia các chương trình cai nghiện. Có chăng, việc này chỉ thực hiện ở một số tỉnh, TP vào một số thời điểm nhất định và cỡ mẫu hạn chế nên không có số liệu khái quát toàn quốc. Tóm lại, đánh giá tỷ lệ tái nghiện luôn phải trong khuôn khổ một thời gian sau cai nhất định cụ thể. Và do tính chất của nghiện ma túy liên quan đến bệnh của não bộ, không ai có thể nói vĩnh viễn không tái nghiện.

Trong khi đó, việc cai nghiện ở các quốc gia trên thế giới hiện nay không quan tâm đến tỷ lệ tái nghiện, không đưa tỷ lệ tái nghiện vào chỉ tiêu thống kê, không lấy đó là thước đo hiệu quả của cai nghiện. Vì là một loại bệnh tâm thần, muốn hay không thì tái sử dụng ma túy thường xuyên diễn ra. Người ta không "giật mình" khi một người cai vài lần, vài chục lần mà vẫn còn sử dụng ma túy. Mỗi lần tái sử dụng chỉ có nghĩa là chuẩn bị cho một chương trình cai nghiện tiếp theo.

Cái mà họ quan tâm nhất là làm sao chăm sóc sức khỏe, phục hồi toàn diện cho người nghiện trên cơ sở xây dựng một chương trình cai nghiện bài bản, khoa học về tổ chức và chuyên môn. Thành công của cai nghiện là một quá trình không thể tính số lần điều trị, không kể thời gian bao lâu, miễn sao sau mỗi lần điều trị, người nghiện có tiến triển tốt về sức khỏe, tâm lý, hành vi… Ví dụ, sau mỗi lần cai nghiện, sức khỏe tâm thần người nghiện tốt hơn lần cai trước, sức khỏe thể trạng nâng cao, các bệnh mãn tính và bệnh cơ hội thuyên giảm, các hành vi bạo lực giảm, tần suất sử dụng ma túy giảm, số lần sử dụng bơm tiêm chung giảm, dần nhận thức được những giá trị của cuộc sống về đạo đức, các mối quan hệ gia đình, xã hội, coi trọng lao động, công việc… Sự phục hồi cao nhất là những người hòa nhập cộng đồng tốt đẹp (Việt Nam không ít trường hợp) như có gia đình hạnh phúc, tham gia công tác xã hội, có việc làm thu nhập ổn định, tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy… Đó mới chính là bản chất, hiệu quả của cai nghiện. Đương nhiên, người cai nghiện được phục hồi tốt sẽ giảm và kéo dài thời gian không tái sử dụng hoặc có thể đoạn tuyệt với ma túy.

Rõ ràng không thể chú tâm vào tỷ lệ tái nghiện chung chung, thiếu khoa học mà bỏ qua tiến trình phục hồi đáng ghi nhận ở mỗi người cai nghiện như đã nêu. Đã đến lúc chúng ta cần hòa nhập với nhận thức và thực tiễn cai nghiện của thế giới để từ thống nhất nhận thức đến thống nhất hành động như Đề án đổi mới công tác cai nghiện "Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép".

Những hệ lụy…

Không hiểu cai nghiện là quá trình phục hồi, chỉ nghĩ về tỷ lệ tái nghiện sẽ dẫn đến sự nóng vội và ngự trị của nhận thức và phát ngôn như "không thể cai nghiện được", "trăm người chưa được một người", "phải giảm mạnh tỷ lệ tái nghiện", "đã chi quá nhiều ngân sách cho cai nghiện trong nhiều năm nhưng tỷ lệ tái quá cao, cần xem lại có nên chi nhiều kinh phí nữa không", "methadone là giải pháp vàng cho người nghiện heroin"… Điều đó để lại nhiều hệ lụy không tốt.

Trước hết, điều này đã dẫn đến sự đớn đau, lo sợ, buông xuôi của những gia đình có thân nhân nghiện. Làm cho nhân dân thiếu tin tưởng, hoài nghi vào công tác cai nghiện của Nhà nước từ đó tăng tính kỳ thị, hạn chế tham gia vào công việc "Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy". Làm cho cán bộ làm nhiệm vụ cai nghiện hoang mang, vào công việc đang ngày đêm vật vã với người nghiện về y học trị liệu, tâm lý trị liệu, huấn nghiệp trị liệu, liệu pháp phòng chống tái nghiện...

"Mất niềm tin là mất tất cả"! Đã có những địa bàn nhiều năm không tổ chức cai nghiện mặc dù không thiếu nguồn lực trong đó có lý do có tổ chức cai nghiện "cũng thế thôi". Có người nói rằng, do sức ép của nhân dân, của dư luận, của đầu tư tiền của Nhà nước cho cai nghiện đã quá nhiều nhưng kết quả không tương xứng nên phải đưa ra một con số cụ thể và nêu lên sự khó khăn, phức tạp của cai nghiện (thường năm sau tỷ lệ tái nghiện giảm 1-2% so với năm trước) nhưng kỳ thực đó là những con số ảo mang tính "che chắn" hơn là xác thật.

Thứ hai, tác động trực tiếp đến công tác hoạch định chính sách, đầu tư nguồn lực. Việc hoài nghi giá trị cai nghiện hoặc đơn giản hóa nghiệp vụ chuyên môn dịch vụ cai nghiện dẫn đến đầu tư cho cai nghiện nếu không lạc hướng, xa rời thực tiễn thì cũng chi li, dè dặt quá thấp so yêu cầu chính đáng của công tác này.

Nhiều cơ sở cai nghiện chật hẹp, xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn không được đầu tư, không có gì để đảm bảo thực hiện chuyên môn. Một cán bộ phải phụ trách số lượng học viên quá lớn, không thể đảm bảo thời gian, chất lượng hoạt động, chế độ đãi ngộ thấp đối với nhiệm vụ đặc thù quá khó khăn nên không thu hút được cán bộ trình độ, năng lực.

Tại cộng đồng, kinh phí đầu tư cho cai nghiện quá hạn hẹp, có khi không đủ cho mỗi người nghiện được cai một lần chứ không nói cai nhiều lần và để thực hiện các biện pháp xã hội. Bao nhiêu xã, phường, thị trấn, (kể cả biên chế và hợp đồng) có bố trí cán bộ chuyên trách, có chuyên môn y tế, tâm lý xã hội cho cả người từ cơ sở cai nghiện trở về nơi cư trú lẫn tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình? Rất không đáng kể. Có thể nói, đầu tư cho cai nghiện cộng đồng hiện nay mang tính chất phong trào hơn là đầu tư cho chuyên môn cai nghiện.

Tiếp đó, gây ra sự tách rời, đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng trong việc phục hồi cho người nghiện. Chính quyền cơ sở cho rằng tái nghiện cao nguyên nhân chính do cơ sở cai nghiện "làm ăn không đến đầu đến đũa". Trách nhiệm của địa phương là theo dõi, nắm tình hình và "đã làm hết sức mình"! Cần lưu ý rằng, cai nghiện là quá trình "lâu dài", đồng thời, các "biện pháp xã hội" chủ yếu thực hiện tại cộng đồng. Cộng đồng là phần quan trọng hữu cơ của quy trình cai nghiện. Chính cộng đồng, nơi người cai nghiện trở về cọ sát với cuộc sống, với các "biện pháp xã hội" được gia đình, chính quyền thực hiện một các có trách nhiệm thực sự, sẽ là "cái nôi" giúp họ hồi phục hoàn toàn. Chính quyền cơ sở cần phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình khi báo cáo tỷ lệ tái nghiện 100%.

Ngoài ra, vì không được đầu tư nguồn lực cần thiết, cấp trên không hiểu tác dụng cai nghiện, giá trị của phục hồi, chỉ chăm chú vào "hạ thấp" tỷ lệ tái nghiện để báo cáo trong các hội nghị nên cán bộ cơ sở cai nghiện có khi không còn chú tâm nâng cao chất lượng hoạt động phục hồi, coi cai nghiện là một công việc hành chính khô cứng. Điều này, cũng tạo ra sự thiếu trung thực trong thống kê báo cáo kết quả cai nghiện cả ở cộng đồng để đáp ứng mong muốn của những người muốn cai là "ăn ngay".

Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Như trên đã nêu, để thực sự đổi mới công tác cai nghiện, để cai nghiện đi đến đích thì việc đầu tiên là đầu tư cho đổi mới nhận thức. Công việc này cần phải làm bài bản, sâu sắc để từng cán bộ có trách nhiệm từ Trung ương, các tỉnh thành phố đến cơ sở, để nhân dân từ thành thị đông đúc đến vùng cao hẻo lánh đều thấm nhuần bản chất, tác dụng, hiệu quả của cai nghiện, rằng không có tỷ lệ tái nghiện nào chung chung cả. Đừng nghĩ rằng cai một vài lần là đoạn tuyệt ma túy mà đó là quá trình phục hồi là lâu dài, đầy cam go, tốn kém sức lực, tiền của, không thể nóng vội mà cần sự kiên trì, bền bỉ. Nếu không thay đổi căn bản chiến lược huy động tăng cường đầu tư nhân lực, vật lực tương xứng nhiệm vụ vì "có công gieo hạt, chăm sóc mới mong ngày thu hoạch" thì cai nghiện vẫn mòn mỏi, dậm chân tại chỗ..

Làm sao giữa cán bộ chiến lược lãnh đạo, quản lý với cán bộ chuyên môn cai nghiện cùng chung một tiếng nói, không có ý kiến ngược dòng, không nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả cai nghiện, "nhất thanh bá ứng", tinh thần ấy cần phải thấm đẫm trong mỗi hoạt động.

Mạng lưới cơ sở, dịch vụ cai nghiện cần phải được đầu tư, kiện toàn lại cán bộ, cơ sở vật chất, thực sự là "máy cái" trong việc phục hồi cho người nghiện với một bộ máy hoàn hảo, hoạt động có chất lượng, lấy điều trị sức khỏe, tâm lý làm trọng tâm hoạt động, lấy chuẩn Quốc tế về điều trị nghiện làm mục tiêu vươn tới. Xây dựng và thực hành các bộ công cụ đánh giá, chỉ số phục hồi của người nghiện qua mỗi lần cai nghiện. Mối quan hệ thực hiện quá trình phục hồi giữa cơ sở cai nghiện và chính quyền nơi người nghiện trở về cần phải quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật có tính bắt buộc.

Thay đổi căn bản việc huy động nguồn lực tại cộng đồng gắn với trách nhiệm của chính quyền các cấp với sự thấm nhuần cộng đồng là một trọng tâm của quy trình cai nghiện, của quá trình phục hồi. Nhưng sẽ chẳng thể làm gì với nguồn ngân sách hạn hẹp trong khi cơ chế huy động các nguồn khác thiếu tính thực tiễn "được chăng hay chớ", nguồn nhân lực cho cai nghiện chắp vá, kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, không có chuyên môn.

Thực tiễn đã có nhiều mô hình được đánh giá có hiệu quả, là điểm sáng của công tác cai nghiện cần được gấp rút nhân rộng như mô hình xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện, mô hình kết nối cơ sở cai nghiện và cộng đồng, mô hình hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi, giúp người cai nghiện cộng đồng, mô hình huy động các tổ chức phi chính phủ giúp người cai nghiện, mô hình thành lập và bảo trợ các câu lạc bộ, tổ nhóm người cai nghiện giúp đỡ lẫn nhau, mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện giúp đỡ người cai nghiện… Chương trình dự phòng nghiện và Tòa án ma túy mới nhen nhóm nhưng đã phát huy hiệu quả cần được đúc kết triển khai rộng rãi./.

Lê Hiền