Hội thảo “Tăng cường tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người” Ngày đăng: 29/06/2019
Từ ngày 26-28⁄6⁄2019 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức Hội thảo “Tăng cường tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người”. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Ban tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Đại sứ quán Anh, Đức, Pháp, Hà Lan tại Hà Nội, một số tổ chức Phi Chính phủ và đại diện ngành lao động, công an, phụ nữ, bộ đội biên phòng của 13 tỉnh, thành phố. Ông Cao Văn Thành, phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo.

Trong 3 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá công tác xác minh, tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động của đường dây nóng; chia sẻ khung chính sách pháp luật của một số nước trong khu vực và trên thế giới về việc xác minh, tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đề xuất biện pháp, kế hoạch nhân rộng mô hình hiệu quả các điển hình tiêu biểu. Hội thảo cũng đưa ra khuyến nghị về luật pháp và chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người, bao gồm các cơ chế chuyển tuyến và đường dây nóng quốc gia để tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay đã tiến hành xác minh 27 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về ( 01 trường hợp từ Lào, 08 trường hợp từ Myanma, 18 trường hợp từ Trung Quốc) theo con đường chính thức. Trong đó chưa đồng ý tiếp nhận 03 trường hợp do đương sự cung cấp địa chỉ không chính xác nên không có cơ sở để xác minh làm rõ. Các nạn nhân sau khi được xác minh, tiếp nhận theo nguyện vọng được hỗ trợ về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội của các tỉnh, thành phố.

Tại Hội thảo, đại diện Đường dây nóng về phòng chống mua bán người cho biết 6 tháng đầu năm 2019, đường dây nóng đã tiếp nhận 764 cuộc gọi, trong đó có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin, 141 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 16 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

“Đằng sau mỗi nạn nhân là một câu chuyện đầy đau khổ, cần được ghi nhận và giải quyết một cách thích đáng. EU khuyến khích hướng tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm để bảo vệ nạn nhân toàn diện, tiếp cận và tôn trọng quyền con người ", ông Tom Corrie, Tham tán Thứ nhất của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ. Nhiều nạn nhân mua bán người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ vì họ sợ bị những kẻ buôn người lạm dụng, cảnh lệ thuộc nợ nần hoặc bị kỳ thị. Trong một số trường hợp khác, những người đã từng bị mua bán có thể không phải lúc nào cũng nhận ra mình là nạn nhân của một tội ác, hoặc họ có thể coi những kẻ mua bán người chính là ân nhân giúp họ thoát nghèo. Nạn nhân cũng có thể liên quan hoặc liên kết với những kẻ mua bán người. Nhiều người không nhận thức được hiện nay vẫn có các cơ chế bảo vệ, hoặc thiếu niềm tin vào các cơ quan thực hiện công tác bảo vệ nạn nhân. Sự cô lập và nỗi sợ này khiến nạn nhân dễ bị mua bán trở lại.

Kết luận Hội thảo, ông Cao Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành trong công tác phòng, chống mua bán người, có được kết quả như vậy là có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực về tài chính, kỹ thuật. Ông cho rằng cần thiết rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, tăng cường công tác truyền thông, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật để nạn nhân của nạn mua bán người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ổn định tinh thần, hòa nhập cuộc sống. Ông mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật, chuyên môn cũng như tài chính để công tác hỗ trợ nạn nhân nói riêng và công tác phòng, chống mua bán người nói chung đạt hiệu quả./.

HH