Công nhân lao động tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy Ngày đăng: 04/06/2019
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy đang diễn biến rất phức tạp và phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là công nhân lao động (CNLĐ) khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngày 29⁄5⁄2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành kế hoạch số 48⁄KH-TLĐ về tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong công nhân, viên chức, lao động năm 2019 với chủ đề: "Công nhân, viên chức, lao động tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy”. Mục tiêu của kế hoạch là thông qua việc cung cấp, trang bị các kiến thức, tác hại của các loại ma túy giúp công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất nâng cao ý thức tự phòng ngừa, bảo vệ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán ma túy đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó, tập trung tuyên truyền về hiểm họa của các loại ma túy, ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng như: cần sa, ketamin, “ma túy đá”, “tem giấy”, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”... để nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho công nhân lao động.

Đồng thời, xây dựng, biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông về công tác phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội như: sách mỏng, tờ gấp, đĩa hình, phát thanh, thiết kế các pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền và các hình thức phù hợp khác để tuyên truyền về tác hại của ma túy tới công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu nhà trọ công nhân.

Tổ chức tập huấn phòng, chống ma tuý cho công nhân lao động và lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, ngừa các tệ nạn ma tuý với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... của tổ chức công đoàn.

Công đoàn các cấp cần quan tâm đến hoạt động xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức, lao động; huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng vào công tác phòng, chống ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các loại ma tuý xâm nhập vào cơ quan, doanh nghiệp, góp phần chăm lo bảo vệ sức khoẻ người lao động. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình công nhân, viên chức, lao động trong việc giáo dục con, cháu tham gia phòng, chống ma tuý.

Vận động người sử dụng lao động chủ động phối hợp với công đoàn thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục công nhân, viên chức, lao động  kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma tuý; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, văn minh.

Quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy tới bộ phận công nhân lao động đang làm việc trong những ngành nghề có đặc thù xa nhà, công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, địa điểm làm việc ở nơi xa những trung tâm văn hóa - xã hội, đặc biệt là công nhân lao động thuộc các ngành Giao thông, Xây dựng, Điện lực, Than – Khoáng sản, công nhân lao động trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - những người có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào tệ nạn ma túy và tại những địa phương có nhiều điểm nóng về ma túy.

Phát huy truyền thống tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Tại những doanh nghiệp có người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, công đoàn phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp tổ chức thăm hỏi, động viên giúp người lao động vượt qua khó khăn, cai nghiện, chữa trị...

TM (Nguồn báo Suckhoevadoisong)