Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp đoàn công tác Bangladesh Ngày đăng: 12/06/2019
Ngày 12⁄6⁄2019, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm việc với đoàn công tác Chính phủ Bangladesh đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại Việt Nam. Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì buổi làm việc, tham dự còn có lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cục. Phía đoàn công tác Bangladesh do Tiến sĩ A.F.M Masum Rabbani, Giám đốc Cục Phòng, chống ma túy là trưởng đoàn, cùng đi theo đoàn có lãnh đạo, cán bộ các cơ quan: Bộ Nội vụ, Thanh tra Văn phòng phòng, chống ma túy một số quận của Bangladesh.

Đoàn đại biểu Bangladesh mong muốn được tìm hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam về cai nghiện, chế độ chính sách đối với người cai nghiện, các loại thuốc cai nghiện Việt Nam đang sử dụng, các mô hình cai nghiện mà Việt Nam đang áp dụng…

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: tình hình nghiện ma túy tại Việt Nam trước năm 2000 chủ yếu là thuốc phiện, giai đoạn 2000-2010 hầu hết là nghiện heroin, từ sau năm 2010 đến nay, chuyển dần sang sử dụng ma túy tổng hợp (ATS). Theo thống kê của cơ quan chức năng đến cuối năm 2018, cả nước có 225.099  người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70%, tỷ lệ này khác biệt theo vùng miền (các tỉnh miền Trung và Nam là 70-85%). Tổng số người đang được điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 36.368, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: 4.320 người, quản lý sau cai tại nơi cư trú là 22.937 người. Hiện nay, ở Việt Nam có các hình thức cai nghiện: cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc, tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện. Ngoài ra, người nghiện các chất dạng thuốc phiện có thể điều trị thay thế bằng methadone. Từ tháng 5/2018, người nghiện ma túy tự cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, hỗ trợ 95% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường đối với các đối tượng gồm: Thương binh; người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người thuộc hộ nghèo; người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thí điểm các mô hình cai nghiện: (1) Mô hình điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất (như Cedemex, Bông Sen, Heantos…), (2) Mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy, kết nối các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV, (3) Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng …

Tiến sĩ A.F.M Masum Rabbani, Giám đốc Cục Phòng, chống ma túy thay mặt đoàn công tác Bangladesh, cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục đã nhiệt tình đón tiếp và chia sẻ với đoàn những kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam. Lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng mong muốn các cơ quan chuyên môn của hai nước thường xuyên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm hỗ trợ triển khai công tác cai nghiện có hiệu quả hơn./.

HH