Cần giải pháp mạnh tay ngăn chặn tình trạng mua bán người Ngày đăng: 05/06/2019
Tại phiên chất vấn sáng 4⁄6⁄2019, nêu thực trạng phức tạp về việc mua bán người xảy ra, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) khẳng định hàng trăm nạn nhân, trong đó có phụ nữ, trẻ em... vẫn chưa được giải cứu; đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có giải pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo dẫn chứng từ chính số liệu của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2018 vẫn có 519 trường hợp được xác định là nạn nhân của mua bán người vẫn chưa được giải cứu. "Tôi đề nghị Bộ trưởng Công an thông tin lại, đến nay số người này đã được giải chưa, cơ tổ chức cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không giải cứu được các nạn nhân, đặc biệt là dưới các hình thức “trá hình” lấy chồng ngoại quốc, du lịch, xuất khẩu lao động…?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2018 và quý I năm 2019 đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Toà án các cấp đã xét xử 127 vụ, với 231 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Hiện vẫn còn 385 nạn nhân đang tiếp tục được giải cứu.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ quan công an đã phối hợp hợp tác quốc tế chặt chẽ để ngăn chặn tội phạm dưới hình thức trá hình là lấy chồng nước ngoài, đi du lịch hay xuất khẩu lao động; đồng thời, giải cứu các nạn nhân một cách tốt nhất.

Thời gian tới, nhóm giải pháp được Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra là tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về công tác phòng chống nạn mua bán người, nhất là nhóm có nguy cơ cao như người dân tộc thiểu số, phụ nữ đến tuổi lấy chồng, phụ nữ trẻ em vùng biên giới, nơi xảy ra tình trạng mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa...

Thứ hai, Bộ Công an đang xiết chặt công tác quản lý xuất nhập cảnh, để chủ động phát hiện việc mua bán, đưa người qua biên giới và ngăn chặn kịp thời.

Nhóm giải pháp thứ ba được ông Tô Lâm đưa ra là tăng cường nghiệp vụ của lực lượng điều tra để xử lý các đường dây mua bán người dưới các hình thức. Hiện cơ quan này đang thực hiện cao điểm tấn công trấn áp đối tượng, trên cơ sở hợp tác với các nước chung biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Giải pháp thứ tư là Bộ Công an đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng hình thức ký nhiều thỏa thuận hợp tác với phòng chống mua bán người với các nước sát biên giới như Trung Quốc, Campuchia, một số nước Châu Âu và thậm chí là với Mỹ.

“Giải pháp nữa là chúng tôi đang tăng cường phối hợp liên ngành, các cấp trong công tác mua bán người, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh./.

HH (Nguồn:tiengchuong.vn)