Hội nghị triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 17/05/2019
Ngày 15⁄5⁄2019, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam – Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người. Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các Sở, ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát, Hội liên hiệp phụ nữ của 5 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tổ chức Di cư quốc tế, Tầm nhìn thế giới và Hội đồng Anh.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 17,5 triệu người là nạn nhân của mua bán người và trên 20,9 triệu người đang bị cưỡng bức lao động, ước tính mỗi năm lợi nhuận thu được khoảng 32 tỷ đô la. Tội phạm mua bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em đã trở thành một vấn đề nóng bỏng, mối quan tâm và là hiểm họa đối với loài người, tác động trực tiếp đến các mặt an ninh, kinh tế, đối ngoại của mỗi quốc gia, được Liên hợp quốc đưa vào Chương trình phòng, chống mua bán người toàn cầu.

Đối với Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 400 vụ, liên quan đến hơn 500 đối tượng, lừa bán khoảng 1 nghìn nạn nhân. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện xảy ra gần 450 vụ mua bán trẻ em, chiếm khoảng 13% tổng số vụ mua bán người, với hơn 800 đối tượng phạm tội, lừa bán gần 900 trẻ em. Đây là số liệu phát hiện được qua công tác điều tra của lực lượng Công an, Biên phòng, đơn trình báo của gia đình nạn nhân, cơ quan thông tin báo chí.

Tại Vương Quốc Anh có khoảng 100 nghìn người Việt Nam sinh sống và làm việc. Theo ước tính của cơ quan chức năng Anh, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số nạn nhân bị mua bán sang Vương quốc Anh. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia nói riêng, nhất là phòng, chống mua bán người và di cư trái phép và góp phần thực hiện hiệu quả các cam kết, điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên; ngày 21/11/2018, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh đã ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác song phương phòng, chống mua bán người. Để triển khai có hiệu quả Bản Ghi nhớ, thể hiện cam kết và nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, ngày 02/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 358/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ.

Tại Hội nghị, đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh giới thiệu chính sách, pháp luật của Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người. Văn kiện Bản Ghi nhớ thể hiện cam kết mạnh mẽ, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh có hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người giữa hai nước. Chính phủ Anh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn nạn này và cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

Đại diện IOM tại Việt Nam giới thiệu về Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” do chính phủ Vương quốc Anh tài trợ. Dự án nhằm hỗ trợ tăng cường kiến thức, kỹ năng, các biện pháp phòng ngừa cho nạn nhân và đối tượng nguy cơ cao bị mua bán; nâng cao năng lực pháp lý và tư pháp trong lĩnh vực đấu tranh, điều tra, truy tố. Dự án cũng trang bị cho cán bộ phụ trách đường dây nóng 111 các kỹ năng về nhận diện nạn nhân và ứng phó với các trường hợp có nguy cơ bị mua bán; nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội thực hiện hỗ trợ nạn nhân/người có nguy cơ cao về kỹ năng hỗ trợ tâm lý, pháp lý, cập nhật thông tin kiến thức pháp luật và các hoạt động điều phối giữa các cơ quan liên quan trong công tác hỗ trợ nạn nhân, đồng thời, nạn nhân cũng sẽ được hỗ trợ để phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Các đối tác thực hiện Dự án là: Hội đồng Anh, Tổ chức tầm nhìn thế giới, Tổ chức di cư thế giới và các cơ quan Việt Nam là: Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố Hải phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, dựa trên báo cáo nghiên cứu của IOM, các luồng di cư từ Việt Nam sang Anh hầu hết bắt nguồn từ những địa phương này.

Chia sẻ thực trạng tình hình lao động di cư ra nước ngoài đặc biệt sang Anh, tại 5 tỉnh, thành phố trên cho thấy, người lao động do thiếu kiến thức và thông tin nên bị các đối tượng mua bán người lừa gạt với những chiêu thức tìm kiếm việc làm với mức lương cao, nhiều chính sách ưu đãi, thời tiết khí hậu không khắc nhiệt, điều kiện lao động tốt, để đưa người xuất cảnh sang các nước để lao động, học tập, di du lịch… sau khi sang đến nơi thì bỏ trốn, ở lại cư trú trái phép hoặc bị giữ lại giấy tờ cưỡng bức lao động.

Kết luận Hội nghị, Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cảm ơn sự hỗ trợ, của Đại sứ quán Vương quốc Anh và IOM tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho các cơ quan chức năng hai nước và các tổ chức quốc tế tìm hiểu về hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực này. Đề nghị các đơn vị liên quan của Việt Nam khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp nhận dự án do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Bản Ghi nhớ và Quyết định của Thủ tướng Chính trong thời gian sớm nhất./.

M.A