Tiếp Đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ Ngày đăng: 17/05/2019
Thực hiện chương trình bên lề Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 15⁄5, bà Mariah Mercer, Trưởng phòng Đông Á và Thái Bình Dương, Văn phòng Tự do tôn giáo quốc tế, Cục dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ làm trưởng Đoàn đã đến thăm và làm việc với Cơ sở cai nghiện ma túy số 6, thành phố Hà Nội. Cùng đi có đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng FEFFAR, USAID, SAMHSA tại Việt Nam.

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội; đại diện Công an thành phố Hà Nội; lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội; Ban giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 6.

Giám đốc CSCNMT số 6 Phí Anh Hoàng giới thiệu với Đoàn về công tác quản lý người nghiện

Tại buổi làm việc, ông Phí Anh Hoàng, Giám đốc CSCNMT số 6 trao đổi với Đoàn về một số hoạt động của Cơ sở như: quy trình tiếp nhận học viên; phân loại người nghiện và áp dụng phác đồ điều trị cho từng học viên; thực hiện phác đồ cắt cơn, giải độc và chăm sóc sức khỏe; công tác tư vấn, rèn luyện sức khỏe, giáo dục thay đổi hành vi; hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí; tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, lao động trị liệu và chuẩn bị kỹ năng phòng chống tái nghiện khi hòa nhập cộng đồng; công tác thăm gặp thân nhân; công tác phối hợp bàn giao, chuyển gửi người nghiện nhiễm HIV/AIDS về gia đình, cộng đồng;…

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH cung cấp thêm một số thông tin về công tác cai nghiện tại Việt Nam. Theo đó, ngày 27/12/2013 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới cai nghiện ma túy đến năm 2020, trong đó, đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Điều 14, Điều 20 của Hiến Pháp (năm 2013) của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với mục tiêu: thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị, cai nghiện (điều trị tự nguyện và điều trị bắt buộc) theo hướng tăng dần điều trị, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện.

Đối với điều trị, cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Hiện nay, Việt Nam có 105 cơ sở cai nghiện ma túy và đều thực hiện đúng quy định quyền công dân, quyền con người theo Hiến pháp và Pháp luật.

Để tạo điều kiện cho người nghiện tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ điều trị tại cộng đồng, Nhà nước đã đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị, cai nghiện...

Tiếp đó, Đoàn đã đi thăm thực tế các khu vực ăn, ở; khu điều trị cắt cơn, giải độc; khu vui chơi, giải trí; khu lao động trị liệu của học viên. Đồng thời, gặp gỡ và trao đổi với cán bộ, học viên về công tác quản lý, điều trị, cai nghiện (cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc); công tác điều trị, chuyển gửi học viên nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở trong thời gian ở tại Cơ sở và sau khi hoàn thành thời hạn cai nghiện bắt buộc.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên trao đổi thắng thắn về cơ chế chính sách, pháp luật, chương trình điều trị, cai nghiện và những định hướng đổi mới công tác cai nghiện của Việt Nam. Đại diện Đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ đánh giá cao và hài lòng với kết quả làm việc thực tế tại CSCNMT số 6 về công tác quản lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân đối với các học viên trong Cơ sở cai nghiện ma túy.

Đoàn đến thăm khu Nhà ăn của học viên

Bày tỏ vui mừng và hoan nghênh các đại biểu của Đoàn đến tìm hiểu thực tế về công tác nhân quyền tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết thêm, trước đây, do thông tin chưa đầy đủ, kịp thời nên có một số ý kiến phản ánh về việc cưỡng bức lao động đối với học viên trong các Cơ sở cai nghiện của Việt Nam. Song, qua thực tế, với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành và địa phương, có thể khẳng định, công tác đảm bảo nhân quyền, quyền con người luôn luôn được thực hiện đúng Hiếp pháp và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách phù hợp với tình hình và xu hướng mới là gắn công tác điều trị, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập hy vọng, qua buổi làm việc hôm nay, Đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ đánh giá đúng, khách quan về tình hình thực hiện nhân quyền tại Việt Nam. Phía Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ và hợp tác ngày càng chặt chẽ và tốt đẹp với Việt Nam trong lĩnh vực này./.

Như Ngọc