Đà nẵng: phấn đấu 95% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế Ngày đăng: 03/05/2019
Trong năm 2019, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu phấn đấu 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HTV thấp dưới ngưỡng ức chế; 95% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2019, UBND thành phố đặt mục tiêu giảm số nhiễm HIV mới, số bệnh nhân chuyển sang AIDS, số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS so với năm 2018; tổ chức điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 310 người nghiện ma túy; 85% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 90% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV; 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HTV thấp dưới ngưỡng ức chế; 95% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nội dung của kế hoạch bao gồm các hoạt động chính là can thiệp, dự phòng và giám sát dịch; điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; tạo môi trường thuận lợi triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS.

UBND thành phố giao Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, Tổ quốc thành phố (Ban Chỉ đạo) chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện và giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố; chủ trì tổ chức sơ kết và tổng kết năm để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chù trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan tham mưu cho thường trực Ban Chỉ đạo, UBND thành phố về công tác chỉ đạo, lãnh đạo các nội dung liên quan công tác phòng, chống HIV/ADS trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế theo ngành dọc triển khai thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn, công tác phối hợp và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Cục phòng, chống HIV/AIDS.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng quản lý; tổ chức điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Sở Y tế, Công an thành phố triển khai hiệu quả các Chương trình can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 và định hướng 2020 và việc thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các dịch vụ lưu trú theo quy định.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chỉ đạo triển khai hoạt động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS” tại cộng đồng dân cư; tổ chức giao ban định kỳ nhằm đánh giá hoạt động một cách đồng bộ và toàn diện tại quận, huyện và xã, phường. Đồng thời đề nghị Liên đoàn lao động thành phố duy trì và mở rộng chương trình phòng, chống HIV/ALDS tại nơi làm việc; hướng dẫn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong tổ chức công đoàn các cấp; chủ trì và phối hợp với Sở Y tế và vận động sự tham gia của các doanh nghiệp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc; phối hợp và lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông có nội dung phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chê xuất và khu công nhân tự quản.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, Tổ quốc tại địa phương; cụ thể hóa và triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với đặc điểm và lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục tổ chức tuyên truyền về Chương trình điều trị Methadone, tăng cường giới thiệu người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone; quản lý và hỗ trợ tốt cho người nghiện chích ma túy trên địa bàn tham gia Chương trình điều trị Methadone; đồng thời, chỉ đạo công tác quản lý người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn trên địa bàn.

T.B