Hà Nội: Ra mắt mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi cho người cai nghiện ma túy” Ngày đăng: 02/05/2019
Ngày 26⁄4, tại Trung tâm Văn hoá Thể thao phường Bồ Đề, UBND quận Long Biên tổ chức lễ ra mắt mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý” thông qua điểm tư vấn hỗ trợ - điều trị nghiện ma tuý tại các Trạm Y tế phường Bồ Đề, Ngọc Lâm và Ngọc Thuỵ.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, Hà Nội có 13.410 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, 57% sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Trên thực tế, do khó khăn, bất cập trong quy định của pháp luật nên số lượng người nghiện, sử dụng ma tuý (NSDMT) cao hơn rất nhiều. Để cho NSDMT tiếp cận với các dịch vụ y tế và tâm lý xã hội, cần thiết thành lập một mạng lưới giúp cộng đồng sớm phát hiện, tiếp cận và cung cấp các dịch vụ xã hội đối với NSDMT.

“Trước tình hình NSDMT diễn biến phức tạp, ngày 12/2/2019, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma tuý” với mục tiêu hỗ trợ quá trình điều trị lâu dài của của NSDMT, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội giúp hoà nhập cộng đồng và dự phòng tái nghiện cho đến khi “đạt được kết quả cao nhất về thể chất và tinh thần”, ông Thái cho biết.

Được biết, mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi NSDMT đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng. Đây là mô hình hướng tới yếu tố thân thiện, theo đó, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay đóng vai trò hỗ trợ NSDMT, làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của NSDMT đối với lực lượng thi hành pháp luật nói chung. 

Thông qua mô hình này, NSDMT không chỉ được tiếp cận với dịch vụ y tế về điều trị nghiện mà còn được kết nối với các dịch vụ y tế khác và các dịch vụ pháp lý – xã hội phù hợp với nhu cầu. Điều này giúp họ giải quyết được các rào cản khiến họ gặp khó khăn trong quá trình điều trị nghiện và tái hoà nhập cộng đồng.

Với mục tiêu hướng tới yếu tố thân thiện, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay còn đóng vai trò hỗ trợ, làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của NSDMT đối với lực lượng thi hành pháp luật.

Theo thông tin, trước đó, các mô hình tương tự đã được triển khai một số quốc gia và đã thu được kết quả tích cực, giảm 60% tỉ lệ vi phạm pháp luật và tăng gần 30% tỷ lệ có việc làm trong cộng đồng NSDMT tham gia vào mô hình.

Tại Việt Nam, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa mô hình vào triển khai thí điểm tại một số quận, huyện./.

N.C