Ninh Thuận: tăng cường công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 16/04/2019
Ngày 14⁄3⁄2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 945⁄2019⁄KH-UBND về việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về hiểm họa của mại dâm, ma túy, tội phạm mua bán người. Từ đó, chủ động đấu tranh, phòng ngừa, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tiến tới đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội trong đời sống xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu phấn đấu như sau: Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm, hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Duy trì, giữ vững 16 xã, phường, thị trấn và công nhận mới 2 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, ma túy. Phấn đấu giảm từ 5-10% số người nghiện ma túy hiện có hồ sơ quản lý; 100% người nghiện đã hoàn thành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy, gia đình và cộng đồng được quản lý sau cai nghiện với nhiều hình thức phù hợp, được hỗ trợ sau cai nghiện ổn định cuộc sống; 100% người cai nghiện ma túy có nhu cầu học nghề được tư vấn và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; 100% các trường hợp là người bị mua bán trở về được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước khi có yêu cầu; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, nhiều giải pháp được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra.

Trước hết, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và các quy định về công tác phòng chống mại dâm; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về; tuyên truyền để mọi người hiểu về tác hại của ma túy, nghiện ma túy, lợi ích của việc cai nghiện ma túy và điều trị bằng các chất thay thế kết hợp với tư vấn phòng, chống tái nghiện… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác truyền thông, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện, người đang sử dụng ma túy từ bỏ ma túy, người hoạt động mại dâm chuyển đổi nghề, tham gia công tác tiếp nhận và hỗ trợ người sau cai nghiện, người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về gắn với các cuộc vận động thực hiện phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, khu dân cư văn hóa.

Thứ hai, tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến mại dâm. Điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến mại dâm từ cơ sở. Xét xử nghiêm minh tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, có các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người vì mục đích mại dâm, nhất là nạn nhân là trẻ em. Lồng ghép chương trình, chính sách an sinh xã hội với các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, trẻ em, các hộ gia đình nghèo nhằm phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến mại dâm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác cai nghiện ma túy. Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cắt cơn giải độc, giáo dục, tư vấn dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy. Xây dựng các văn bản triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo các văn bản của Trung ương phù hợp với tình hình ở địa phương.

Thứ tư, tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tuợng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tội phạm mua bán người. Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng./.

K.H