Phối hợp trong công tác dự phòng, cai nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên Ngày đăng: 11/03/2019
Ngày 11⁄3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và đào tạo về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020.

Tham dự Lễ ký có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Nghĩa- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Cục, Vụ có liên quan của hai Bộ.

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh, sinh viên về ma túy và tác hại của ma túy; từ đó, xây dựng các chương trình dự phòng nghiện ma túy phù hợp, biện pháp can thiệp hiệu quả đối với những học sinh sinh viên sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy.

Các đại biểu dự Lễ ký Kế hoạch phối hợp

Nội dung của Kế hoạch tập trung vào 7 hoạt động chính: (1) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật; (2) Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; (3) Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu công tác; (4) Nghiên cứu, khảo sát tình hình, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ; (5) Tổ chức các hội nghị, hội thảo và trao đổi, học tập kinh nghiệm; (6) Phối hợp tổ chức thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy và (7) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy.

Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết,  sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến nòi giống. Tình hình vi phạm, sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ phức tạp hơn, đối tượng trẻ hóa hơn và khó kiểm soát. Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây ảo giác, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến giết người. Theo cơ quan phòng, chống ma túy của liên hợp quốc thì tình hình này gia tăng và đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực châu Á. Tại Việt Nam hiện nay, có hơn 225.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tại các cơ sở cai nghiện ma túy phía Nam, có cơ sở trên 80% người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp, có cơ sở đến trên 90%. Gia tăng số lượng học sinh, sinh viên có liên quan đến ma túy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và len lỏi trong các trường phổ thông. Trước tình hình đó, công tác dự phòng, cai nghiện ma túy được Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành quan tâm, từ tuyên truyền, giáo dục, đầu tư nguồn lực và ban hành cơ chế chính sách. Nhưng trước tình hình trẻ hóa, cần phải có giải pháp mạnh liên quan đến công tác dự phòng và Bộ giáo dục và đào tạo là đơn vị quan trọng trong việc việc triển khai thực hiện giải pháp này.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Lễ ký Kế hoạch phối hợp

Thứ trưởng Hà khẳng định, việc ký kết kế hoạch giữa hai bộ vào thời điểm này hết sức có ý nghĩa, nhằm xây dựng môi trường học đường lành mạnh mà ở đó không có học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.

Thứ trưởng Hà đánh giá cao sự phối hợp giữa Cục PCTNXH và Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên trong thời gian qua trong việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và phòng, chống ma túy học đường, phòng chống bạo lực xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, yêu cầu Cục PCTNXH cần tích cực hơn để cụ thể hóa các nội dung trong Kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên để triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau:

Trước hết là tham mưu về cơ chế chính sách liên quan đến dự phòng và cai nghiện ma túy. Sắp tới, Bộ Công an sẽ chủ trì tham mưu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy; Bộ Tư pháp chủ trì sửa Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo chức năng, nhiệm vụ, 02 bộ phải tham gia tích cực vào việc xây dựng Luật để làm tốt công tác dự phòng và cai nghiện và đặc biệt là tiếp cận dần với các khuyến cáo của quốc tế về công tác này. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên để các em biết được tác hại, nguy cơ của ma túy, từ đó giúp các em có nhận thức đúng và hành vi đúng, tránh xa ma túy và cùng bảo vệ bạn bè xung quanh mình. Cần đề xuất các mô hình dự phòng, cai nghiện ma túy và nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực trong nước và quốc tế để triển khai cho phù hợp với từng địa phương, trường học. Làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá xem các địa phương, trường học làm công việc này như thế nào để tư vấn về mặt chuyên môn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Ma túy hiện nay là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, trong đó nguyên nhân là nhận thức của người dân về tác hại của ma túy chưa được đầy đủ. Mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực phòng chống nhưng tỉ lệ người sử dụng ma túy không giảm mà có chiều hướng tăng với nhiều diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Lễ ký Kế hoạch phối hợp

Bởi vậy, công tác phòng chống ma túy hiện nay cần sự nỗ lực chung tay của tất cả các cấp các ngành và toàn xã hội. Việc ký kết giữa hai Bộ nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống ma túy, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tác hại của ma túy và những hệ lụy của ma túy.

Ma túy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đến an ninh, trật tự xã hội. Thế hệ trẻ rất dễ bị lôi kéo vào tệ nạn nên rất cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức tránh xa ma túy. Từ việc tuyên truyền hoàn thiện văn bản pháp luật đến việc trao đổi thông tin, xây dựng và nhân rộng mô hình.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa mong muốn với những nội dung đã đề ra trong biên bản ký kết, đến năm 2020 sẽ góp phần ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn ma túy trong HSSV. Khi HSSV nhận thức đẩy đủ về tác hại của ma túy sẽ là tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và cộng đồng hiểu về tác hại của ma túy, tránh xa ma túy./.

K.H