Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 05/03/2019
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT⁄TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, sau 10 năm triển khai, Thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ.

Cách đây ít năm, khối 48 phường Thanh Lương và ngõ Lò Lợn, phường Bạch Mai là hai địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Với tính chất, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như lợi dụng các khu vực có nhiều ngõ, ngách nhỏ, khu đất trống; sử dụng các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, được hoãn thi hành án, hoặc đối tượng đang nuôi con nhỏ, người khuyết tật để bán ma túy... các tụ điểm này gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình này, Quận ủy và UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu công an quận, các địa bàn vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) lên phương án triệt xóa. Lực lượng chức năng đã chủ động phân loại, đánh giá tính chất hoạt động của từng đối tượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như trinh sát, tập trung bắt giữ các đối tượng mua bán, nhất là số đối tượng trọng điểm, cộm cán. Nhờ đó đến nay, cuộc sống của người dân ở hai địa bàn nêu trên đã bình yên trở lại.

Tại quận Đống Đa, cùng với công tác đấu tranh, triệt phá các ổ, nhóm ma túy, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Năm 2018, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm quận đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống ma túy tại các trường cao đẳng, trung cấp và THPT nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ giáo viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy; huy động sự tham gia của các tổ chức trong nhà trường, ban đại diện Hội cha mẹ học sinh. Từ đó ngăn chặn triệt để, không cho ma túy xâm nhập vào học đường, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh.

Trên đây là hai trong số nhiều điển hình của TP Hà Nội sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Cùng với vai trò chủ công của lực lượng công an, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng vào cuộc để nhiệm vụ phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn.

Từ một địa bàn, 21 tụ điểm, 55 điểm phức tạp về tệ nạn ma túy ở thời điểm năm 2008, đến nay, Hà Nội đã triệt xóa được cơ bản, chỉ còn ba điểm phức tạp về ma túy. Từ tháng 5-2008 đến tháng 6-2018, lực lượng công an các cấp thuộc Công an thành phố đã phát hiện, điều tra khám phá 33.300 vụ với 42.449 đối tượng phạm tội về ma túy; đã xử lý hình sự 28.376 vụ với 33.275 đối tượng; thu giữ hơn 1.228,4 kg ma túy các loại. Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, truy tố, xét xử 27.433 vụ, với 32.258 bị cáo, trong đó xét xử lưu động 11.556 vụ với gần 13 nghìn bị cáo.

Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy được tiến hành có chiều sâu với nhiều hình thức theo phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, “lấy phòng ngừa là căn bản”, “lấy văn hóa, thể thao đẩy lùi ma túy, tệ nạn xã hội”... Tất cả hướng tới việc xây dựng mỗi gia đình trở thành một "thành lũy" để phòng, chống ma túy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn thành phố còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Việc triển khai Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị tại một số cấp ủy cơ sở còn chung chung; sự vào cuộc của một số ban, ngành, đoàn thể còn mang tính hình thức, thậm chí “khoán trắng” cho lực lượng công an, cho nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thường xuyên.

Trước mắt và lâu dài, tình hình buôn bán và sử dụng ma túy vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, cho nên việc đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn là nhiệm vụ trọng tâm, phải được làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ. Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của mỗi gia đình trong công tác phòng, ngừa và kiểm soát ma túy. Công an các cấp, lực lượng chuyên trách tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, giải quyết triệt để, dứt điểm các tụ điểm, điểm ma túy, chủ động phòng ngừa không để tái diễn phức tạp gây bức xúc dư luận. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể... đối với công tác phòng, chống ma tuý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên bao che, dung túng cho tội phạm và tệ nạn ma túy hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy./.

N.C (nguồn nhandan.com.vn)