Tiền Giang: đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống mua bán người Ngày đăng: 22/02/2019
Thực hiện kế hoạch số 02⁄KH-BCĐ ngày 03⁄01⁄2019 của Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2019, ngày 20⁄02⁄2019, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 37⁄KH- UBND về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm mới và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người; kịp thời xác minh, xác định, tiếp nhận và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao trách nhiệm trong phối hợp liên ngành nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Các chỉ tiêu cụ thể được đưa ra là: đảm bảo 85% xã, phường, thị trấn được tiếp nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người; 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý, so với năm 2018 tăng từ 2% tỷ lệ khởi tố, điều tra các vụ mua bán người trên tổng số các vụ việc được phát hiện; 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người được theo dõi thi hành và đánh giá hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 05 nhiệm vụ, công tác trọng tâm.

Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2019 và giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị số 1526/KN-UBTP14 ngày 28/9/2018 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa 14 và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12102/VPCP ngày 13/12/2018 của Văn phòng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người; Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp; sơ kết các kế hoạch liên tịch, liên ngành giữa các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa: tiếp tục đưa nội dung phòng, chống mua bán người vào định hướng tuyên truyền hàng tháng tại hội nghị giao ban báo chí; định hướng các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục và tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, kết quả đấu tranh, các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả. Định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người của cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông. Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, trong đó tập trung vào các hoạt động hưởng ứng tháng hành động phòng, chống mua bán người- 30/7; các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, trao đổi, tư vấn, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi sáng tác, xây dựng các tiểu phẩm hoặc thi tuyên truyền viên giỏi…

Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý tội phạm mua bán người: tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình về hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. Tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới biển và quản lý xuất nhập cảnh; tiếp nhận, xác minh nguồn tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; thực hiện có hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là các tuyến biên giới với Campuchia, Lào. Duy trì cơ chế trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối hợp tác xác minh, điều tra, bắt giữ, dẫn giải, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân. Lựa chọn một số vụ án điểm để xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong nhân dân và răn đe tội phạm.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định; chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa nạn nhân về nơi cư trú; rà soát, đánh giá mô hình hỗ trợ nạn nhân hoạt động hiệu quả, lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng, xây dựng mới các mô hình phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo thiết thực và hiệu quả…

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và theo dõi thi hành tập trung vào rà soát, hệ thống hóa văn bản, tổ chức sơ kết, tổng kết theo chuyên đề; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống mua bán người, nhất là liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người./.

K.H