Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 Ngày đăng: 02/01/2019
Ngày 28⁄12⁄2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Phó Cục trưởng Lê Đức Hiền, Lê Văn Khánh, Cao Văn Thành cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2018, toàn thể công chức, người lao động của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã nỗ lực thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Ngay từ đầu năm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tổ chức Hội nghị giao ban 3 miền Bắc, Trung, Nam để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, vì vậy, năm 2018 công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã đạt được những kết quả nhất định.

Về công tác phòng, chống mại dâm: Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178/CP và các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 16.155 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 4.855 lượt cơ sở vi phạm. Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 784 lượt cơ sở; phạt tiền 3.792 lượt cơ sở với số tiền phạt hơn 27 tỷ 44 triệu đồng. Triệt phá các tụ điểm nóng về mại dâm, các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 317 vụ với 1.047 đối tượng. Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm 913 đối tượng. Xử lý hình sự 127 đối tượng chứa và môi giới mại dâm và 03 người mua dâm người chưa thành niên.

Tính đến nay có 41 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng thí điểm hoặc duy trì mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, bao gồm cả mô hình triển khai tại địa phương thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở, trong đó có 3.567 người bán dâm và người có nguy cơ cao được hưởng lợi. Riêng năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 15 tỉnh, thành phố trọng điểm triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình (Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang). Mô hình được thực hiện với mục tiêu giúp người hoạt động mại dâm tại địa bàn được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm tác hại về HIV/AIDS, ngăn ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Về công tác điều trị, cai nghiện ma túy: năm 2018, số người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 6.438 học viên nâng tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 36.368 học viên, tăng 6,8% so với năm 2017 (33.895/36.368). Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý 25 cơ sở điều trị Methadone và 06 cơ sở cấp phát thuốc với số người tham gia điều trị là 4.141 người; 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định; chỉ có 02 tỉnh, thành phố triển khai điều trị Methadone cho học viên cai nghiện bắt buộc là Sơn La (224 học viên); Cần Thơ (04 học viên). Thực hiện chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện: mô hình điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất (Cedemex, Bông Sen, Heantos…) Qua đánh giá kết quả ban đầu, việc thí điểm điều trị bằng thuốc Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên trong thời gian điều trị 6 tháng cho thấy tỷ lệ không sử dụng lại ma túy là 38% và sau 1 năm tỷ lệ là 27%. Mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “tiền xét xử” liên quan đến “Tòa ma túy”… đã tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV… Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Việc triển khai các mô hình thí điểm đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy; tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cần phải có chính sách và nguồn lực.

Toàn cảnh Hội nghị

Công tác Hỗ trợ nạn nhân và Tuyên truyền:  Theo báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị, địa phương, năm 2018, toàn quốc phát hiện 211 vụ, 276 đối tượng, 386 nạn nhân. So với năm 2017 giảm 43,88% số vụ, giảm 43,79% số đối tượng và giảm 61,05% số nạn nhân. 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách. Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn tại 38 tỉnh, thành phố với 2.781 Đội tình nguyện và 18.905 tình nguyện viên đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện hòa nhập cộng đồng”, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về, người bán dâm hoàn lương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đặt được của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Cục trong năm 2018. Đồng thời chỉ đạo trong năm 2019: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, quy định về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; hoàn thiện và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ về cai nghiện ma túy, hỗ trợ phục hồi và hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán và người bán dâm; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình về cai nghiện ma túy, hỗ trợ người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng tại địa phương; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

HH