Phòng, chống tội phạm mua bán người từ kinh nghiệm của Australia Ngày đăng: 05/12/2018
Việc đối phó với tội phạm mua bán người hiện nay trên thế giới nói chung và Australia nói riêng vẫn chưa thực sự hiệu quả do gặp phải những vướng mắc trong quy định của hệ thống pháp luật, trong xác định nhân chứng và còn do tính chất của tội phạm xuyên biên giới quốc gia.

Trong thời gian gần đây, tình trạng mua bán người đang phát triển một cách nhanh chóng và phức tạp tại Australia dưới những hình thức khác nhau, đa dạng về đối tượng, bao gồm cả đàn ông, trẻ em; nhưng đa phần là các trường hợp phụ nữ từ các nước Châu Á như: Thái Lan, Hàn Quốc… và một số nước Đông Âu bị đưa sang buộc làm việc trong ngành “công nghiệp tình dục”.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang nghiên cứu các phương án nhằm cải cách hệ thống pháp lý nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người. Ở Australia, tiến trình cải cách pháp luật liên quan đến tội phạm buôn bán người bắt đầu từ năm 1990 như: Nội luật hóa các quy định của Nghị định thư của Liên hợp quốc về nạn buôn bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự một số loại tội phạm như tội phạm buôn bán, sử dụng nô lệ (25 năm tù); tội lừa đảo tuyển dụng cho việc phục vụ các hoạt động tình dục (7 năm tù); tội mua bán người (12 năm); tội mua bán trẻ em (25 năm); tội mua bán người trong nước (12 năm)…Tội phạm mua bán người được xác định trong đạo luật về hoạt động nghe lén và truy cập năm 1979 là tội phạm nghiêm trọng, do đó, các cơ quan thực thi pháp luật được quy định trong đạo luật này có thẩm quyền nghe lén, theo dõi các cuộc gọi điện thoại và email để điều tra về hành vi phạm tội buôn bán người. Các thông tin này sau đó sẽ được Viện Công tố Australia sử dụng như là những bằng chứng để truy tố các bị can trước Tòa.

Tại Australia, nạn nhân của tội phạm phải được bảo vệ và tôn trọng trong suốt quá trình tố tụng và cuộc sống của họ sau này, bao gồm bảo vệ quyền riêng tư của các nhân chứng, nạn nhân (không đăng tải các vấn đề liên quan đến vụ án với tên tuổi cụ thể của họ; thực hiện việc xét xử kín); không buộc họ phải thực hiện việc đối chất với các thủ phạm để tránh gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần (thay vào đó phải sử dụng các hệ thống đối chất trực tuyến); tránh lặp lại các câu hỏi không cần thiết về nội dung vụ án, hành vi của bị cáo đối với nạn nhân khiến nạn nhân phải nhớ lại những ký ức khủng khiếp đối với họ. Qua đó, nạn nhân (hoặc nhân chứng của vụ án buôn bán người) sẽ không cảm thấy xấu hổ, tủi nhục khi đối diện với các cơ quan tố tụng hoặc khi tham gia vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử góp phần đẩy nhanh tiến độ tiến độ xử lý vụ án nói chung và hoạt động truy tố nói riêng.

Về việc thu thập bằng chứng, khi các Công tố viên phải đối diện với các trường hợp bằng chứng, lời khai không chính xác từ bị can, bị hại, nhân chứng; các bằng chứng đã bị sửa đổi bởi bên thứ ba (không xác định được), họ sẽ chủ động yêu cầu hoặc trực tiếp thu thập các chứng cứ từ các nguồn khác và đánh giá tính hợp pháp của chúng, gồm: Lấy lời khai khách hàng của việc mua bán người, mua dâm về những lần nạn nhân đã cầu xin về việc giúp đỡ họ thoát khỏi tình trạng nô lệ; thu thập các thông tin trên các phương tiện thông tin điện tử của nạn nhân, bị can, nhân chứng nhằm xác minh tính chân thực của các lời khai hay mối quan hệ giữa các đối tượng; các thông tin chuyển tiền mua bán; các hình ảnh, video lưu tại các nhà thổ,…

Về tính xuyên biên giới quốc gia của tội phạm mua bán người, Chính phủ Australia nói chung và Viện Công tố nước này nói riêng đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào các diễn đàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; các diễn đàn tương trợ tư pháp về hình sự quốc tế; Tiến trình Bali về việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, nạn buôn người và tội phạm xuyên quốc gia; xây dựng Chiến lược hành động quốc gia trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người và nô lệ giai đoạn 2015 - 2019…

Bên cạnh đó, chính phủ Australia đã ký kết các hiệp định, điều ước với 57 nước trên thế giới về việc tương trợ, phối hợp trong lĩnh vực hình sự, trong đó có Việt Nam và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Viện Công tố Australia luôn xác định việc đào tạo, bồi dưỡng các công tố viên thụ lý, giải quyết các vụ án buôn bán người đóng vai trò rất quan trọng, do đó Viện đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm công tác của các công tố viên trong và ngoài nước đối với việc truy tố các loại tội phạm mua bán người và các sự kiện tương tự suốt từ tháng 6/2007 đến nay.

Theo Tạp chí Kiểm sát