Hội thảo đánh giá về luật pháp, chính sách liên quan tới bạo lực giới trong hoạt động mại dâm Ngày đăng: 23/12/2018
Ngày 21⁄12, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội thảo góp ý đề cương đánh giá về luật pháp, chính sách liên quan tới bạo lực giới trong hoạt động mại dâm. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tổ chức SCDI, IOM, UN Woman… Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập khẳng định, pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) với quan điểm từng bước loại bỏ hành vi cưỡng bức tình dục, bạo lực giới. Việc phi hình sự hóa hoạt động mại dâm thể hiện bước tiến bộ vượt bậc về nhân quyền của Việt Nam. Song bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có hành lang pháp lý nhằm bảo vệ con người, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có người hoạt động mại dâm. Kết quả của Hội thảo hôm nay về bạo lực giới là cơ sở để ngiên cứu, xây dựng Luật về mại dâm trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, nhóm tác giả đưa ra kết quả nghiên cứu về tác động của bạo lực giới trong hoạt động mại dâm. Theo đó, sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003) chưa có nhiều tác động đến các đối tượng hoạt động mại dâm như quyền công dân, chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội, tạo sinh kế… do vậy, cần có nghiên cứu, đánh giá theo quan điểm tiếp cận mới trên cơ sở quyền, đề xuất các giải pháp mang tính xã hội nhằm đóng góp cơ sở xây dựng Luật về mại dâm.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 3 nhóm vấn đề về chính sách phòng ngừa bạo lực giới, gồm: phòng ngừa tình trạng bạo lực giới trong nhóm người bán dâm; phát hiện để can thiệp nhằm giảm các nguy cơ dẫn đến bạo lực; cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm là nạn nhân của bạo lực giới.

Bên cạnh đó, cần nhận diện hành vi bạo lực giới đảm bảo cho người hoạt động mại dâm tiếp cận với các chính sách chuyên biệt hơn. Xây dựng, thiết kế các chính sách hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm như kinh tế - xã hội; thông tin, tuyên truyền; giáo dục, phòng ngừa; xử lý vi phạm.  Đặc biệt, cần có nghiên cứu cụ thể về mại dâm trẻ em đang là vấn đề nóng hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đồng tình khẳng định, tình hình mại dâm gần đây diễn biến phức tạp với nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề bạo lực giới trong hoạt động mại dâm là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay, cần có nghiên cứu cụ thể, sâu sắc về mặt xã hội nhằm giảm nguy cơ, hỗ trợ người bán dâm ứng phó với bạo lực giới, xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ người tham gia hoạt động mại dâm./.

Như Ngọc