Tập huấn về phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 23/11/2018
Trong 2 ngày 22 và 23⁄11⁄2018, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Văn phòng Dự án “Hợp tác hành động chống lại nạn mua bán người” của Liên Hợp Quốc (UN-ACT) tổ chức khóa tập huấn về phòng, chống mua bán người.

Tham dự lớp tập huấn có các đại biểu đại diện ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an, Biên phòng, Hội phụ nữ, Y tế cấp tỉnh của 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, Quảng Nam. Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu được các chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức phòng chống bạo hành trẻ em Vương quốc Anh (NSPCC) và lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội truyền đạt chính sách, pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người, xác định nguyên nhân, mục đích của nạn mua bán người, mua bán và bóc lột trẻ em. Các dấu hiệu xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán. Thực hành các kỹ năng tiếp nhận, phỏng vấn, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Vương quốc Anh. Chia sẻ tình hình mua bán người (cung và cầu) tại Vương quốc Anh, thảo luận các tình huống bài tập, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay hoặc hướng tới trong hợp tác với các cơ quan chức năng Vương quốc Anh để nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn, ông Lê Đức Hiền cho biết, tội phạm mua bán người (MBN), đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em (PNTE) đã trở thành một vấn nạn, có xu hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu, nhất là gần đây, tình trạng đưa người di cư trái phép bằng thuyền vượt đại dương từ Châu Phi, Trung Đông và Châu Á sang Châu Âu diễn ra phức tạp. Ở khu vực Châu Á, phát hiện hàng chục ngàn người Băng-la-đét và Mi-an-ma là nạn nhân của các đường dây MBN và di cư trái phép sang một số nước Đông Nam Á.

Cùng với mua bán ma túy và vũ khí, nạn nhân bị mua bán đã trở thành một loại hàng hóa đem lại lợi nhuận rất cao cho những đối tượng phạm tội. Theo ước tính của UNODC, mỗi năm lợi nhuận thu được từ MBN trên thế giới khoảng từ 30 - 40 tỷ USD/năm. Chính lợi nhuận khổng lồ đã khiến các đường dây MBN mở rộng ra khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trên thế giới, hai hình thức MBN phổ biến nhất là MBN vì mục đích bóc lột tình dục và bóc lột sức lao động. Tại Việt Nam, MBN ra nước ngoài chiếm gần 90%, trong đó, sang Trung Quốc chiến trên 75%, với mục đích lừa ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…Ngoài ra, Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực có sự gia tăng các hình thức mua bán phụ nữ và trẻ em gái với mục đích cưỡng bức lao động tại các quán bar và bị lột tình dục. Lợi dụng sự chưa chặt chẽ của pháp luật về cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, tội phạm đã lập đường dây bán trẻ em ra nước ngoài theo diện cho nhận con nuôi, lập hồ sơ kết hôn giả với người nước ngoài, đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp…

Trước tình hình phức tạp của MBN, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong công tác phòng, chống MBN, nội luật hóa dần tương thích với luật pháp quốc tế về phòng, chống MBN; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người trong cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế trong công cuộc ngặn chặn nạn MBN.

Lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội hy vọng rằng, với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh (NSPCC) sẽ giúp cho cán bộ liên ngành trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người tham gia khóa tập huấn nâng cao kiến thức về mua bán người nói chung và về mua bán, bóc lột trẻ em nói riêng, hiểu biết về các chính sách, pháp luật quy trình, thủ tục có liên quan trong hỗ trợ nạn nhân. Kỹ năng xác định trẻ em dễ bị tổn thương, những dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị mua bán và bóc lột, kỹ năng làm việc với trẻ em và đặc biệt ý nghĩa quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ trẻ em. Cán bộ tham gia tập huấn trở về địa phương có thêm kiến thức phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn, giảm tình trạng MBN và hỗ trợ được nhiều nạn nhân hơn tại địa phương mình.

TM