Gần 60% người trẻ nghiện ma túy tự kỳ thị và căm ghét bản thân Ngày đăng: 08/11/2018
Trong nghiên cứu với gần 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma túy độ tuổi 16-24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh do Dự án Bảo vệ Tương lai (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI) thực hiện cho thấy, gần 60% tự kỳ thị, căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của các em.

Vì sao thanh thiếu niên sử dụng ma tuý?

Tại hội thảo “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên: thấu hiểu và hỗ trợ” diễn ra sáng 27/10 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thuỳ Linh, Quản lý chương trình Trẻ em và Thanh niên của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đại diện Ban tổ chức cho biết: “Có rất nhiều lý do khiến thanh thiếu niên tìm đến ma túy như là cách để hoà nhập, cảm thấy dễ chịu, giải toả lo âu, căng thẳng, làm tốt hơn, thích thử cái mới…”.

Trong thực tế, có rất nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, nhưng thông thường luôn có những lý do “nghiêm túc” đằng sau như: sức ép của việc khẳng định bản thân và thuộc về nhóm bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực, v.v… Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm và ngưng sử dụng sau một thời gian, nhưng có một bộ phận sẽ có nguy cơ cao hơn với việc lạm dụng và nghiện ma túy do chịu ảnh hưởng của các yếu tố: Khiếm khuyết bẩm sinh trong hệ thần kinh; Di truyền; Gen; Căng thẳng; Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu; Sang chấn tâm lý; Rối loạn tâm thần…

Về hậu quả liên quan đến sức khỏe tâm thần trong nhóm thanh thiếu niên, trong một nghiên cứu trên gần 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma túy độ tuổi 16-24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh do Dự án Bảo vệ Tương lai  (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI) thực hiện mới đây, kết quả cho thấy, chỉ riêng với trầm cảm, có tới 43% người tham gia cho biết có những dấu hiệu trầm cảm từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả) của việc sử dụng- lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên…  

Cô lập và trừng phạt không phải là giải pháp

Kỳ thị và phân biệt đối xử có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và hồi phục của người sử dụng ma túy nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên nói riêng. Cũng theo dự án Bảo vệ tương lai của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường xuyên bị gia đình, hàng xóm và bạn bè kỳ thị, coi thường hoặc miệt thị.

Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy trên truyền thông như thường xuyên gắn với tình trạng “ngáo đá”, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp, giết người v.v… cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới thanh thiếu niên có sử dụng ma túy. Có đến gần 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của họ, hơn 40% trong số các bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử. Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy, khi có đến 65.9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53.8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng.

Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị - phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.

Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình. Các bạn có thể tham gia điều trị đã tốt, nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh trong toàn bộ quá trình hồi phục của người nghiện ma túy và/hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần và luôn cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.../.

(Nguồn: phunuvietnam.vn)