CHUYÊN MỤC “HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI” Ngày đăng: 31/10/2018
(BBT) - Nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (11⁄01⁄1994 - 11⁄01⁄2019), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trân trọng giới thiệu với độc giả một số bài viết về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

Bài 1: Tập trung giải quyết dứt điểm hậu quả của các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại

Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, vấn đề tệ nạn xã hội hình thành và phát triển đã khá lâu. Trong thời kỳ phong kiến và thực dân, đế quốc, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm tự do phát triển. Chúng đầu độc dân tộc ta bằng rượu, thuốc phiện, cờ bạc... đây là những chính sách cai trị thâm độc của kẻ thù.

Xác định tệ nạn xã hội là nguy hại đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc, sức khỏe của nhân dân, gây mất an ninh - trật tự xã hội, do đó, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Chínhphủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm cho mỗi người dân, mỗi gia đình có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, phồn vinh.

Đặc biệt, sau ngày giải phóng miền Nam, chế độ Mỹ - Ngụy đã để lại khoảng 200 ngàn gái mại dâm, 170 ngàn người nghiện xì ke, ma túy. Trước tình hình kinh tế - xã hội thời hậu chiến còn ngổn ngang khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm hậu quả của các tệ nạn xã hội. Ngày 18/6/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời ban hành Quyết định số 33/QĐ-76 và Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời ban hành Thông tư 03/TT-76 về việc giải quyết các vấn đề xã hội sau chiến tranh. Ban Chỉ  đạo bài trừ các tệ nạn xã hội được thành lập nhằm nghiêm trị chủ chứa, ma cô, đồng thời, tập trung chữa bệnh, cảm hóa các đối tượng mại dâm, nghiện hút ma túy.

Với sự tham gia chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, quần chúng nhân dân, các đối tượng mắc tệ nạn xã hội được gia đình, chính quyền giáo dục, chữa bệnh và quản lý. Đối với những người không có gia đình, nơi nương tựa được tập trung tại các cơ sở xã hội do ngành Thương binh và Xã hội quản lí để chữa bệnh, giúp đỡ công ăn, việc làm, ổn định đời sống.

Chính phủ giao cho Ngành Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý các cơ sở xã hội, kể cả các cơ sở “từ thiện” quốc tế và cơ sở do tổ chức tôn giáo lập ra trước ngày giải phóng, có đối tượng mại dâm, ma túy thành “Cơ sở giáo dục, cảm hóa”. Các đối tượng tập trung tại các cơ sở từ 1 đến 3 năm, sau đó đưa đi lao động, sản xuất ở các vùng kinh tế mới hoặc các nông trường để giúp họ xây dựng gia đình, ở lại tiếp tục sản xuất hoặc về quê hương bản quán làm ăn.

Từ chính sách đúng đắn và biện pháp quyết liệt trên đã góp phần giải quyết cơ bản tệ nạn mại dâm, ma túy trong cả nước, nhất là ở miền Nam sau giải phóng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, có trên 29 ngàn lượt người nghiện ma túy được chữa trị, trên 7 ngàn người mại dâm được phục hồi nhân phẩm. Tới đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khoảng 80% gái mại dâm do chế độ cũ để lại được giải quyết, số ít còn lại hoạt động lẻ tẻ, ngấm ngầm. Người nghiện ma túy cũng cơ bản được quản lý, chữa trị ổn định.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đất nước chuyển sang giai đoạn đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Bên cạnh những yếu tố tích cực đã nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, trong đó, tệ nạn ma túy, mại dâm có xu hướng gia tăng, lan rộng. Năm 1990, cả nước có khoảng hơn 98 ngàn người nghiện và khoảng 26 ngàn người hoạt động mại dâm.

Trước tính chất nguy hiểm của tệ nạn xã hội, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp kịp thời nhằm tăng cường công tác phòng chống các tệ nạn xã hội. Ngày14/5/1989, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 135/CT và ngày 08/4/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 99/CT, giao cho Ngành Thương binh và Xã hội quản lý người nghiện trong các trung tâm cai nghiện và quản lý gái mại dâm tại cơ sở phục hồi nhân phẩm, với sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện cho các đối tượng này vừa chữa bệnh, vừa lao động sản xuất tự nuôi sống bản thân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), trong năm 1993, Chính phủ ban hành 03 văn bản quan trọng chỉ đạo về công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội, đó là: Nghị quyết số 05/CP ngày 29/1/1993 về “Ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm”; Nghị quyết số 06/CP ngày 29/1/1993 về “Tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy”; Nghị quyết số 20/CP về “Đẩy mạnh công tác phòng chống nhiễm HIV/AIDS”. Các văn bản trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc kiên quyết xóa bỏ hoạt động mại dâm, các tổ chức, ổ tiêm chích ma túy, đồng thời, trừng trị nghiêm khắc với những người tổ chức mại dâm, sử dụng ma túy. Ngành Thương binh và Xã hội tiếp tục được giao nhiệm vụ chủ trì chương trình liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và tổ chức cai nghiện, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở (Trung tâm 05, 06) do Ngành quản lí./.