Hội thảo truyền thông về can thiệp dự phòng lạm dụng chất ma túy Ngày đăng: 30/10/2018
Chiều 29⁄10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức Hội thảo “Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà báo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện các tổ chức quốc tế và sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) nhấn mạnh: trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, cổ động cũ, lỗi thời không còn đáp ứng yêu cầu. Nhiều dạng bài và tít bài trên các phương tiện truyền thông đã gây hiệu ứng ngược, càng kích thích trí tò mò của giới trẻ... Vì vậy, để công tác truyền thông phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện có hiệu quả, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách thức truyền thông.

Các phương tiện thông tin đại chúng cần thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đa dạng về phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền về phòng, ngừa việc lạm dụng chất gây nghiện; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhằm tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, đặc biệt là những người nghiện trở về; ứng dụng công nghệ vào công tác tuyên truyền, đưa ra những biện pháp để ngăn chặn những thông tin lôi kéo, mời chào trên mạng xã hội.

Đại diện Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy luôn được Chính phủ, UBQG, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tích cực vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả. Theo đánh giá của UBQG, trong giai đoạn từ 2014-2017, số tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đăng tải trên các ấn phẩm tăng trung bình 10-15% so với trước. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là ở những khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, vì vậy nhận thức về tác hại của ma túy trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan báo chí được nâng cao.

Theo đại diện Bộ Công an, hiện nay, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng và nhằm che dấu sự kiểm tra, giám sát và phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che dấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất, tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau, pha trộn ma túy với các chất khác như: Chế cần sa thành các loại bánh kẹo; trộn chất ma túy với các loại thuốc tân dược có bán trên thị trường cùng với chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp...

Năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292, đến nay sau 3 năm danh mục đã tăng lên gấp đôi với tổng số 559 chất và tiền chất. Danh sách các loại ma túy mới không dừng lại, nó đã nối dài hơn với nhiều loại nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn, bằng những cái tên như: Lá thiên đường (lá khat), thuốc lắc meo meo flakka, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười lazy cake, muối tắm, trà sữa, nước vui, nấm ma thuật … Có những chất mới chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Vì vậy, công tác truyên truyền, giới thiệu về các chất ma túy mới và tác hại khi sử dụng ma túy, nhất là trong giới trẻ là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đồng tình cho rằng, truyền thông về can thiệp dự phòng lạm dụng chất ma túy là cần thiết và quan trọng hàng đầu; đồng thời, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và phương pháp giáo dục, truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện dựa trên bằng chứng khoa học nhằm từng bước áp dụng, đổi mới phương thức truyền thông trong phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên. Qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện./.

NC