Phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 19/10/2018
Qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhiều trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người đã được tiếp cận, trợ giúp, tái hòa nhập cộng đồng.

Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người hiện nay có diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo trẻ em đi du lịch, tặng quà, làm thuê thu nhập cao để lừa phụ nữ, trẻ em gái bán cho các nhà hàng, quán karaoke, tụ điểm massage có tổ chức hoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang nước ngoài.Tham gia hoạt động kinh tế, lao động kiếm sống sớm là một trong những nguy cơ dẫn đến trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Theo số liệu thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2018 đã tiếp nhận 12.810 cuộc gọi, trong đó có 9.108 cuộc cung cấp thông tin, 3.415 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán, can thiệp 287 ca, trong số đó có 137 trẻ em bị mua bán được can thiệp.

Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong số những trẻ được hỗ trợ, trẻ bị mua bán đến Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất, với 65/137 trẻ, chiếm 47,4% trong tổng số ca mà Đường dây nóng đã chuyển tuyến và can thiệp trong 5 năm qua. Mua bán trong nước cũng chiếm số lượng cao, với 38 trẻ.

Trong số 137 ca mua bán trẻ em được Đường dây nóng can thiệp, đã có 93 ca được nhận hỗ trợ, 35 ca không có hỗ trợ do phía gia đình trẻ từ chối nhận hỗ trợ, vụ việc vẫn chưa được xác minh, gia đình trẻ đã chuyển đi nơi khác…

Trẻ bị mua bán ban đầu được hỗ trợ chăm sóc y tế. Những trẻ có tổn thương về mặt thể chất thường là trẻ bị mắc bệnh phụ khoa cần được chữa trị. Như trường hợp cháu P.A (12 tuổi) ở tỉnh Kon Tum khi được giải cứu trở về bị viêm nhiễm phụ khoa đã được địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng để đi khám bệnh. Có trường hợp trẻ được giải cứu trở về và mang thai đã được địa phương, các tổ chức hỗ trợ để chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con.

Có 48/137 ca chiếm 35% ca can thiệp cho trẻ bị mua bán được địa phương hỗ trợ tâm lý. Một số trường hợp trẻ bị khủng hoảng tâm lý nặng được Tổng đài chuyển đến Văn phòng Trị liệu tâm lý cho trẻ em để các chuyên gia trị liệu. Trung bình mỗi tháng, Văn phòng trị liệu tâm lý miễn phí cho từ 2-3 em bị xâm hại tình dục, bị mua bán, bị bạo lực.

Nhiều trẻ bị mua bán vì tâm lý e ngại, sợ bạn bè trêu đùa, không muốn đến trường nên cán bộ bảo vệ trẻ em ở địa phương đã làm việc với nhà trường để hỗ trợ cho các em khi quay lại trường học. Một số trẻ không muốn đi học hoặc không đủ sức theo học thì xét trên nhiều yếu tố nếu hợp lý sẽ hỗ trợ cho trẻ đi học nghề. Như trường hợp cháu L (14 tuổi) ở Hà Giang bị lừa bán sang Trung Quốc, sau khi được giải cứu trẻ không muốn đi học trở lại do đã nghỉ khá lâu (gần 1 năm) và được địa phương hỗ trợ học nghề may theo như mong muốn…

Hiện một số tổ chức phi chính phủ cũng đang cung cấp những dịch vụ hỗ trợ trẻ, đây là một trong những yếu tố góp phần không nhỏ trong quá trình can thiệp hỗ trợ trẻ bị mua bán nói riêng, trẻ bị xâm hại, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói chung rất hiệu quả trong khi nguồn lực ở các địa phương rất hạn chế. Điển hình trường hợp em D. (sinh năm 2002) ở Điện Biên bị bạn trai lừa bán sang Trung Quốc, nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Rồng Xanh đã giải cứu trẻ về nước, hỗ trợ trẻ về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Cục Trẻ em, quá trình can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn.

Về phía cơ quan công an đôi khi còn chậm trong việc xác minh thông tin và giải quyết vụ việc. Nhiều nạn nhân không biết tiếng phổ thông nên việc trao đổi thông tin, hỗ trợ tâm lý cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều gia đình không hợp tác, từ chối nhận hỗ trợ, không muốn đưa vấn đề con em mình bị mua bán vì sợ bị dư luận xã hội bàn tán, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con, nhất là những trẻ từ 14-16 tuổi bị bán làm vợ hoặc bóc lột tình dục. Số trẻ và gia đình chuyển đi nơi khác sau khi sự việc xảy ra chiếm tới hơn 10%.  Chính vì vậy, cán bộ bảo vệ trẻ em gặp khó trong việc thu thập xác minh thông tin từ trẻ và gia đình của trẻ để có biện pháp hỗ trợ.

Tình trạng cán bộ làm công tác trẻ em thiếu và yếu xuất hiện ở nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là việc thường xuyên thay đổi cán bộ, cán bộ địa phương kiêm nhiệm quá nhiều việc, đồng thời chưa được đào tạo chuyên nghiệp về trợ giúp trẻ em, về công tác xã hội dẫn dến việc phát hiện trẻ bị mua bán còn chậm trễ.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân bị mua bán trở về, theo Cục Trẻ em, cần tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội về Luật Trẻ em năm 2016, luật pháp, chính sách liên quan và Tổng đài 111 nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo vệ trẻ em, phòng, chống nguy cơ bạo lực, xâm hại và mua bán trẻ em.

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Truyền thông vận động, nâng cao nhận thức, năng lực của xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại, bạo lực, mua bán. Hướng dẫn người dân địa phương biết cách tố cáo tố giác các hành vi.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em, nhất là cán bộ cấp xã/phường để đáp ứng yêu cầu về hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung, trẻ em bị mua bán trở về nói riêng…

Theo Tiếng Chuông