Cục PCTNXH: Tập huấn về mô hình Tòa ma túy Ngày đăng: 11/10/2018
Ngày 10⁄10, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Cục Quản lý lạm dụng chất gây nghiện và dịch vụ sức khoẻ tâm thần (SAMSHA) của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức tập huấn mô hình Toà ma tuý về hỗ trợ tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi điều trị - cai nghiện ma tuý. Tham dự có đại diện Tòa án nhân dân Tối cao; Cục Phòng chống HIV⁄AIDS (Bộ Y tế); Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội; đại diện Tòa án nhân dân, Trung tâm Y tế, Phòng LĐTBXH, các Cơ sở cai nghiện ma túy và cán bộ công tác xã hội quận Nam Từ Liêm và Long Biên.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH đã thông tin nhanh về tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam; một số kết quả về công tác đổi mới điều trị, cai nghiện ma túy thời gian qua cũng như việc phát triển các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy và cai nghiện trong tình hình mới.

Năm 2016, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư về Khung chương trình đào tạo, tư vấn điều trị nghiện ma túy. Trong đó, bao gồm: chương trình đào tạo cơ bản dành cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy; chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác tư vấn, điều trị nghiện ma túy; chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác hỗ trợ xã hội trong điều trị, cai nghiện ma túy.

Thời gian qua, Cục PCTNXH đã phối hợp với Colombo Plan tổ chức các lớp tập huấn đào tạo giảng viên nguồn cấp quốc gia cho Việt Nam về Bộ tài liệu phổ quát điều trị nghiện UTC. Các tổ chức SAMSHA và SCDI cũng giúp đỡ xây dựng bộ tài liệu cho Khoa Công tác xã hội (Đại học Lao động - Xã hội) triển khai đào tạo mẫu, cấp chứng chỉ và tiến tới sẽ đào tạo cử nhân trong lĩnh vực này. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ LĐTBXH luôn luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, nghiên cứu, áp dụng các mô hình tốt để có thể giúp đỡ được nhiều người cai nghiện ma tuý thành công.

Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập phát biểu khai mạc

Bà Charlotte Sisson, chuyên viên cấp cao Bộ phận giảm cầu ma tuý, Cục Phòng chống ma túy quốc tế và thực thi luật pháp (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết: thông qua Colombo Plan, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tiến hành thí điểm các chương trình Tòa ma túy với mục tiêu nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi cho người mắc các chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; tiếp tục hỗ trợ thực hiện mục tiêu cải tiến chất lượng điều trị cho người sử dụng ma túy. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cán bộ tư pháp, hành pháp, nhân viên y tế, công tác xã hội và nhân viên tại các Cơ sở điều trị methadone, Cơ sở điều trị nghiện ma túy nhằm góp phần mang lại thành công cho chương trình thí điểm mô hình Tòa ma túy, đồng thời, khuyến khích người nghiện tham gia thông qua lựa chọn cách điều trị phù hợp.

Hiện nay, INL áp dụng các chương trình và phương pháp tiên tiến để phòng ngừa và điều trị việc sử dụng chất gây nghiện tại hơn 90 quốc gia trên thế giới và đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như Colombo Plan, Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Tổ chức Ủy ban kiểm soát lạm dụng ma túy liên Mỹ (CICAD), Liên minh Châu Phi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thúc đẩy hợp tác khu vực và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo kế hoạch, chương trình tập huấn lần này được tổ chức tại Hà Nội (từ 10 - 12/10) và thành phố Hồ Chí Minh (từ 15 - 17/10) nhằm hỗ trợ cho cán bộ, công chức các ngành có liên quan trong việc nghiên cứu, phối hợp triển khai thí điểm mô hình Tòa án ma túy tại các quận, huyện được lựa chọn. Chương trình đào tạo bao gồm các bài giảng về những hoạt động thực tiễn đã đem lại kết quả tích cực tại Mỹ và một số quốc gia khác cùng một số phiên thực hành lập kế hoạch để bắt đầu quá trình xây dựng các Tòa ma túy thí điểm.

Giảng viên của lớp tập huấn đến từ Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), SCDI, Hiệp hội chuyên gia về Tòa ma túy của Hoa Kỳ (NADCP) sẽ giới thiệu về lịch sử Tòa ma túy của Mỹ và yêu cầu, cách tiến hành các giai đoạn của Tòa ma túy đã được chứng minh về tác dụng giảm tình trạng sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ tội phạm và tiết kiệm chi phí thông qua cách tiếp cận phối hợp giữa các ngành tư pháp, hành pháp, công tác xã hội và y tế.

Các học viên tham gia thảo luận về việc áp dụng mô hình trên vào thực tiễn Việt Nam; xác định cơ cấu và vị trí của Tòa ma túy trong hệ thống ngành Tòa án hiện nay; các đối tượng đích, các tiêu chí tiếp nhận, phân loại và xây dựng quy trình tiếp nhận vào chương trình Tòa ma túy; vai trò của Thẩm phán và nhóm làm việc liên ngành... Bên cạnh đó, các học viên cũng sẽ trao đổi ý kiến về triển khai quy trình, hướng dẫn xem xét thí điểm triển khai Tòa ma túy trong hỗ trợ tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi điều trị, cai nghiện ma túy tại quận Nam Từ Liên và Long Biên (Hà Nội); quận 4 và quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) trong thời gian tới./.

Diệu Ngọc