PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN TRONG PHÒNG NGỪA SỬ DỤNG MA TÚY BẤT HỢP PHÁP Ngày đăng: 05/10/2018
Nhiệm vụ phòng ngừa lạm dụng ma túy đã trở thành một phần không thể thiếu trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Việc làm này giúp cho việc “phòng”, “chống” ma túy ngày càng phù hợp hơn với xu thế của thế giới. Để đạt được mục tiêu “kìm chế, ngăn chặn hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi đời sống xã hội”, nhiều hình thức phòng ngừa đã được triển khai, trong đó, có hình thức phòng ngừa ban đầu cho các nhóm đối tượng chưa bao giờ liên quan đến ma túy và phòng ngừa chuyên biệt cho những đối tượng có nguy cơ mắc nghiện cao.

Hiệu quả của công tác tuyên truyền

Ở Việt Nam, công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và trực tiếp là Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy (UBQG). Một năm sau khi trở thành thành viên của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, việc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối hoạt động phòng, chống ma túy của các bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ “PHÒNG” ngang với “CHỐNG” đã phản ánh rất rõ quan điểm của Chính phủ trong việc giải quyết tận gốc tệ nạn ma túy ở nước ta. Chính sự tham gia của gần 30 bộ, ngành, đoàn thể chính trị trong UBQG và Ban chỉ đạo của các địa phương (từ tỉnh, huyện xuống tới xã, phường, thị trấn), một mặt đã xác định nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, mặt khác đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần trong xã hội, gồm các cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ,... tham gia tích cực vào công tác phòng, chống ma túy.

Thông qua nhiều hoạt động bề nổi như tuyên truyền qua đài, báo, tờ rơi, pa-nô, áp phích, tọa đàm, mít tinh, ra quân,… nhiều thông tin bổ ích về diễn biến tình hình tệ nạn ma túy, chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt là thông tin về tác hại của các loại ma túy đã được tuyên truyền tới đông đảo người dân trong cộng đồng. Trong khi đó, công tác phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cũng giúp mọi người nâng cao nhận thức về pháp luật và tự tránh xa tệ nạn này. Chính nhờ những công việc tưởng chừng rất đơn giản này mà trong nhiều năm liền chúng ta đã kìm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới và hiện nay số người nghiện ma túy ở nước ta đang ở mức trên 200 ngàn người (tương đương 0,21% dân số). Đây là một kết quả rất đáng tự hào nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, ...

Việc thường xuyên cải tiến nội dung và phương pháp tuyên truyền đã phần nào tăng tính hấp dẫn, sức lan tỏa trong cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy. Có thể thấy rất rõ sự chuyển biến này qua việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền với các hoạt động thể thao, văn hóa ở cơ sở hoặc các hoạt động biểu diễn văn nghệ (thường gọi là “sân khấu hóa”). Trong hệ thống giáo dục, việc lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên, hoặc trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cũng nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. Những cách này đã làm cho một công việc trước đây thường được xem là “khô cứng”, “khó tiếp thu” trở thành công việc dễ đi vào lòng người và có sức cảm hóa tốt hơn.

  Để có những thành công kể trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các đoàn thể - xã hội, các tổ chức chính trị, các tổ chức, cá nhân nằm ngoài hệ thống cơ quan nhà nước. Trong đó,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) các cấp và các tổ chức thành viên như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức kinh tế - xã hội khác đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền các cấp trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tệ nạn ma túy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở nhiều địa phương.

Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2012 – 2015, trên 700 mô hình phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm được triển khai, như: “Khu dân cư không có tội phạm”; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”; “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”; ''Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu'', ''Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội xung kích an ninh”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý”, "Cơ quan, đơn vị không có người nghiện ma tuý",... và các buổi tuyên truyền với hàng chục triệu lượt người tham gia, hàng ngàn lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho cán bộ ở cơ sở đã góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tác hại nhiều mặt của tệ nạn ma túy trong cộng đồng, đồng thời, hình thành một hệ thống tuyên truyền viên rộng khắp ở các địa phương.

Việc triển khai hàng trăm mô hình phòng, chống ma túy ở hầu hết các địa phương như đề cập ở trên cho thấy công tác phòng, chống ma túy đã trở thành một công tác mang tính toàn dân, toàn diện, có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của  nhiều ngành, nhiều cấp. Một biểu hiện rất đáng mừng của việc xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy.

Cùng với việc phòng ngừa đại trà cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã được các cấp, các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Thông qua các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên đường phố”,… các kỹ năng rất cần thiết như: nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện, cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống, từ chối các cám dỗ,... thường có trong các nhóm đối tượng “có nguy cơ mắc nghiện cao” đã giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, bảo vệ họ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy. So với công tác phòng ngừa ban đầu được triển khai đại trà, những hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa mới mẻ này mới chỉ là sự khởi đầu, chưa đồng đều ở nhiều địa phương, mới chủ yếu ở giai đoạn tạo ra những cán bộ có năng lực tư vấn hơn là những hoạt động tác động trực tiếp đến nhóm đối tượng cần tư vấn. Hy vọng, khi đã có một số lượng tương đối những cán bộ có trình độ, kiến thức tương đối sâu về tâm lý, kỹ năng tư vấn việc tạo chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi trong nhóm thường được xem là đặc biệt khó tiếp cận này sẽ dần được cải thiện.  

Giải pháp khắc phục hạn chế

Công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn, quyết liệt. Hoạt động của tội phạm ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều loại ma túy, đặc biệt là nhóm ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều địa bàn. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy không còn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc đầu từ về kinh phí của Trung ương cho công tác này sẽ ngày càng hạn chế. Trước thực trạng không còn dự án tuyên truyền phòng, chống ma túy không cho phép chúng ta xem nhẹ công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nói riêng, hoạt động phòng ngừa lạm dụng ma túy nói chung mà thực chất yêu cầu đề ra các giải pháp mới cho công tác này.

- Trước hết, các cơ quan có liên quan nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong chiến lược chung về phòng, chống ma túy. Từ đó có sự phân bổ thật hợp lý kinh phí giữa các nhóm giải pháp giảm cung và giảm cầu ma túy. Trong điều  kiện có thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì dự án tuyên truyền về phòng, chống ma túy để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cốt cán ở địa phương.

- Thứ hai, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác tuyên truyền nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; tránh dàn trải, phô trương hình thức nhằm hỗ trợ cho các bộ, ban ngành và địa phương trong công tác này. Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để có những chuyên gia đủ tầm về khả năng định hướng cho công tác tuyên truyền, công tác tư vấn, v.v… Bên cạnh đó, việc tận dụng kinh nghiệm sẵn có của các viện nghiên cứu như: Viện nghiên cứu về thanh niên, Viện báo chí và tuyên truyền, Viện sức khỏe tâm thần, v.v… hoặc của các nước khác là điều không thể thiếu được.

- Thứ ba, cần khẩn trương biến chủ trương “Xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy” của Chính phủ thành những hành động thiết thực, qua đó huy động các nguồn lực tiềm tàng trong xã hội vào công tác này. Mặt khác, khẩn trương rà soát và có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật để động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các nguồn lực, từng bước có thể bù đắp những thiếu hụt về kinh phí cho hoạt động này./.

Tạ Đức Ninh