Tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm Ngày đăng: 20/09/2018
Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh các giải pháp mang tính xã hội trong việc giải quyết các vấn đề mại dâm ở Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo quyền, an toàn và sức khỏe của người lao động; phòng, chống bạo lực và lây nhiễm HIV⁄AIDS thông qua các can thiệp, các mô hình. Từ ngày 19-20⁄9⁄2018, tại Hà Nội, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao năng lực về xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm”. Đến dự và khai mạc lớp tập huấn có ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Tham dự lớp tập huấn là những cán bộ chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện mô hình thuộc Chi cục PCTNXH, Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, các cơ quan có liên quan và thành viên Ban chủ nhiệm nhóm đồng đẳng của người bán dâm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Phát biểu tại lớp tập huấn, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết: Trong Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới, trong đó tập trung xây dựng, chỉ đạo thực hiện các mô hình. Chương trình chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm.

Với mục tiêu, giúp người có nguy cơ cao, người yếu thế và người hoạt động mại dâm tại khu vực thực hiện mô hình được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã xây dựng Khung định mức kinh tế- kỹ thuật cho 03 mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm gồm (01) mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại phòng, chống bạo lực giới; (02) mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; (03) mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Theo đó, các dịch vụ thí điểm trong mô hình bao gồm tư vấn tâm lý- xã hội; xây dựng đường dây nóng hỗ trợ khi người bán dâm bị xâm hại đến quyền, bị bóc lột; nơi trú ẩn, tạm lánh an toàn khi bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực; hỗ trợ vật chất, tài chính với người có nhu cầu thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng.

Tham dự lớp tập huấn, các đại biểu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng trong quản lý mô hình gồm quan điểm, định hướng về chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm; mục tiêu của việc xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm; các chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện các mô hình thí điểm. Xây dựng và phát triển nhóm đồng đẳng của người bán dâm gồm kỹ thuật lập bản đồ trong rà soát tình hình người bán dâm và các dịch vụ hiện có trên địa bàn; quy trình hình thành, tổ chức vận hành các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm; kết nối, điều phối trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm.

Giảng viên của lớp tập huấn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hỗ trợ các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã tích cực tham gia chia sẻ, thảo luận quy trình và trao đổi cách thức thực hiện các công cụ để áp dụng có hiệu quả từng mô hình tại các địa phương./.

Kim Dung