Vượt lên “làn khói trắng” trở thành ông chủ cơ sở sản xuất Ngày đăng: 20/09/2018
Gặp anh, ấn tượng với tôi là nét mặt hiền lành, nước da đen bóng, dáng người gầy gò khắc khổ của một nông dân đích thực chứ không phải một “gã” từng nghiện hút, vào tù ra tội. Sau khi quyết tâm tránh xa “làn khói trắng”, đứng lên làm lại cuộc đời, Nguyễn Văn Thành (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh ) đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất nấm nổi tiếng, một người làm kinh tế giỏi ở địa phương được bà con quý mến, nể phục.

Sinh năm 1969 trong một gia đình khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ mấy anh em của Thành phải tự lo cho bản thân. Năm 18 tuổi, anh đi bộ đội, sau đó trở về quê lập gia đình. Là người thương yêu vợ con, anh chăm chỉ, tìm mọi cách để kiếm tiền giúp vợ xây dựng tổ ấm. Anh từng lên biên giới Lạng Sơn làm cửu vạn, rồi sang Quảng Ninh làm than. Được một thời gian, anh nhanh chóng trở thành chủ cai than và cơ sở làm ăn ngày càng phát đạt, có lúc có tới 200 lao động. Cuộc sống gia đình từ chỗ khó khăn trở nên sung túc, có của ăn của để. Tuy nhiên, do xa nhà lâu ngày lại có tiền nên Thành rủ rê bạn bè đi chơi, đi nhậu rồi hút thử thứ “bột trắng” lúc nào không hay. Chẳng bao lâu, mọi tài sản mà anh đã gây dựng bao năm đội nón ra đi. Bỏ cai than, anh lang lang đi làm thuê ở hết bãi vàng này đến bãi vàng khác, rồi vào Nam ra Bắc làm đủ nghề.

Mọi thứ trở nên kiệt quệ, Thành phải quay về quê sinh sống. Người vợ vẫn chấp nhận anh và quyết tâm cùng anh làm lại từ đầu. Chị đã nhờ cậy cán bộ đoàn thể giúp đỡ anh cai nghiện tại địa phương. Nhưng sau mọi nỗ lực, cố gắng của chị, anh Thành vẫn tiếp tục tái nghiện. Chị lại đưa anh đi cai nghiện ở Trại Giáo dưỡng tỉnh Bắc Giang 6 tháng, nhưng kết quả cũng không thay đổi. Thời điểm đen tối nhất đối với anh và gia đình là vào năm 2001, anh Thành bị bắt và kết án 15 năm tù vì tội mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ở Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), anh thầm nghĩ khoảng thời gian 15 năm ngồi tù sẽ là dấu chấm hết của cuộc đời. Được các cán bộ quản giáo gần gũi chia sẻ, động viên, tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống, anh đã thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt, giáo dục chuyên đề. Bên cạnh đó, vợ và các con vẫn lên thăm, động viên và tin tưởng anh một ngày nào đó sẽ sớm quay về đã khiến anh bao lần xúc động. Và rồi như bừng tỉnh, anh quyết tâm phải sống tích cực hơn, biết yêu thương, chia sẻ.

Trong quá trình thụ án, chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh cũng như những cảnh đánh nhau, trấn lột giữa các học viên, năm 2004, Nguyễn Văn Thành đề xuất với Ban Giám thị Trại giam thành lập Quỹ “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân”. Sau khi được lãnh đạo Trại giam đồng ý, Quỹ đi vào hoạt động và làm được nhiều việc có ý nghĩa, nhiều khi chỉ là những cân đường, hộp sữa cùng nhau góp chung song cũng đã động viên, khích lệ không ít phạm nhân vượt qua khó khăn, vươn lên hướng thiện, đánh thức được tình yêu thương, tình người trong mỗi phạm nhân, góp phần giảm đi những vụ việc trấn lột, tiêu cực trong trại.

Năm 2009, một lần nữa, Nguyễn Văn Thành góp phần thức tỉnh nhiều phạm nhân với bài viết sâu sắc, đầy cảm xúc về cuộc đời lầm lỡ của mình, về những nỗi day dứt và niềm khát khao tự do, được làm người có ích để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra cho gia đình, vợ con bao năm âm thầm chịu đựng vất vả, tủi nhục. Anh đã viết trong bao đêm ở trại giam để tham gia cuộc thi “Nhật ký và niềm tin hướng thiện” do Tổng Cục VIII (Bộ Công an) phát động và câu chuyện của anh đã đạt giải Ba. Tất cả cán bộ và phạm nhân Trại giam Phú Sơn 4 đều xúc động, đánh giá cao câu chuyện nhân văn, lay động trái tim những phạm nhân đang thụ án.

Với cố gắng, nỗ lực trong quá trình cải tạo, năm 2012, Nguyễn Văn Thành được ra tù trước thời hạn gần 3 năm. Ngày trở về, anh hạnh phúc bao nhiêu vì niềm vui đoàn viên, vì con gái lớn đã có tổ ấm riêng của mình, song cũng xót xa bấy nhiêu khi người vợ thủy chung của anh bị ốm nặng, nhà cửa trống vắng, không của cải, đứa con trai thì bỏ nhà lên thành phố làm ăn. Để trả nghĩa, ngày ngày anh chăm chỉ lao động, kiếm tiền mua thuốc chữa trị cho vợ và quyết tâm tìm cậu con trai. May mắn, được sự giới thiệu, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, anh Thành đã theo học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Lương Tài và được vay vốn trồng nấm tại gia đình.

Vụ nấm đầu tiên, anh thu nhập trên 60 triệu đồng và nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt bởi nguyên vật liệu sẵn có từ rơm rạ ngoài đồng. Tiếp đó, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô sản xuất với 5.000 bịch nấm, tương đương 5 tấn/năm, trị giá 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Có nhiều lao động làm thuê đã được anh Thành hướng dẫn cách làm và tự lập làm riêng. Anh còn nhiệt tình hướng dẫn họ và hỗ trợ con giống, làm lán trại. Anh tâm sự: “Tôi chỉ làm đủ sức của mình, sản xuất từng bước vững chắc, bền vững. Còn lại thời gian, tôi nghỉ ngơi, làm việc nhà, giúp đỡ bà con trong vùng có nhu cầu học nghề trồng nấm. Tôi muốn nghề của tôi được truyền lại cho mọi người để giúp họ có công ăn việc làm, tạo thu nhập cho gia đình”.

Quả thật, cuộc đời của Nguyễn Văn Thành như một cuốn phim với nhiều tình tiết ly kỳ với những thăng trầm không thể quên. Nhưng quan trọng nhất, cái kết của “cuốn phim” ấy thật có hậu. Anh đã hoàn lương trở về, sống một cuộc đời giản dị và hạnh phúc, con cái đều đã trưởng thành. Chia sẻ về con đường đã qua, anh nói với chúng tôi với tâm trạng cảm xúc và tâm huyết: ngoài việc trồng nấm, tôi còn tham gia tích cực vào công tác đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện của xã để thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh trật tự của các thôn, xóm, đồng thời, tuyên truyền về tác hại của ma túy trong các buổi họp, buổi sinh hoạt cộng đồng. Nếu phát hiện thấy các cháu nào có biểu hiện sa chân vào con đường nghiện hút, mại dâm thì Đội sẽ cùng nhau bàn bạc với gia đình đưa ra phương án giúp đỡ, khuyên bảo và chia sẻ với các cháu dưới góc độ là cha chú, tình cảm gia đình. Tôi mong các cấp chính quyền tuyên truyền nhiều hơn tới các bậc làm cha, làm mẹ và các cháu thiếu niên, học sinh hiểu rõ sự nguy hại của ma túy và các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, thường xuyên lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan chức năng, tố giác ở đây không phải để có thành tích mà là để mọi người có nguy cơ cao kịp tỉnh táo thoát khỏi “bùn lầy” khi bước chân của họ mới mấp mé, chưa dẫm sâu vào con đường phạm tội./.

Hoa Ngọc