Nỗ lực của Trung tâm phòng chống HIV⁄AIDS tỉnh Quảng Nam Ngày đăng: 18/09/2018
Theo thống kê, tính đến tháng 8⁄2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV là 992 trường hợp, lũy tích số bệnh nhân AIDS là 548, lũy tích số người nhiễm HIV đã tử vong 459

Riêng 6 tháng đầu năm 2018 số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV là 16, số chuyển sang bệnh nhân AIDS là 5 và số trường hợp tử vong do AIDS 3 người. Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2017 số người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS, số tử vong do AIDS tương tự nhau. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng tại Quảng Nam dưới 0,1% dân số (toàn quốc 0,3%). Phân tích số trường hợp nhiễm 6 tháng đầu năm 2018 về các đặc điểm dịch tễ học nhiễm HIV/AIDS cho thấy, đa số là nam giới, độ tuổi 20-39, lây truyền chủ yếu qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý.

Để người dân hiểu hơn về sự nguy hiểm của HIV/AIDS, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều cách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn, đôn đốc người nghiện tham gia chương trình điều trị thay thế bằng Methadone. Trong hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đã có sự phối hợp tích cực của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các tệ nạn xã hội; tập trung vào các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; chống kỳ thị phân biệt và đối xử... Thông tin về HIV/AIDS được đăng tải qua các kênh thông tấn báo chí. Hình thức và đối tượng truyền thông cũng đa dạng, phong phú như: truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng; tuyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ; qua tờ rơi, pa no, áp phích... 

Đáng chú ý, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại. Cụ thể như chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Số người tham gia điều trị Methadone gia tăng nhanh. Hiện đang có 392 người nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị bằng Methadone. 

Cùng với đó là hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện được triển khai tại các phòng tư vấn của Trung tâm và các Trung tâm Y tế huyện, đẩy mạnh công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại 2 phòng khám ngoại trú là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Quảng Nam.

Theo bà Chế Thị Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: nhìn chung, dịch HIV/AIDS ở Quảng Nam đã có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên chưa thật sự bền vững. Số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có giảm nhưng không nhiều. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng lưu ý như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; gia tăng số người nhiễm là phụ nữ mang thai, công nhân…; một một bộ phận cán bộ và người dân chưa nhận thức đầy đủ về phòng, chống HIV/AIDS, còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. Nguồn nhân lực có trình độ đại học để bổ sung cho hệ thống phòng, chống AIDS trong thời gian trước mắt còn rất khó khăn… Chương trình Methadone tuy có thu được một số kết quả khả quan nhưng quy mô còn nhỏ, toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở điều trị và 5 cơ sở cấp phát thuốc. Việc lồng ghép chương trình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, các ngành còn hạn chế. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Đứng trước những khó khăn đó, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam quyết tâm tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền; khống chế tỷ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,1%; giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội./.

T.H