NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ NHỮNG PHẬN ĐỜI LẦM LỠ Ngày đăng: 07/08/2018
Cầm tấm bằng cử nhân kinh tế, chàng trai trẻ Nguyễn Tường Long lại chọn “nghề” công tác xã hội. Có lẽ điều quyết định “ngã rẽ” nghề nghiệp của anh không có gì khác ngoài sự yêu thương, trăn trở đối với những phận đời lầm lỡ và mong muốn họ sớm trở về tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

 

 

Năm 1986 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Nguyễn Tường Long được nhận vào công tác tại Sở Lao động - TBXH tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), sau khi tái lập tỉnh, anh được điều động về công tác tại Chi cục PCTNXH tỉnh Lào Cai. Đối với người “trái nghề” như anh, làm tốt công tác chuyên môn đã khó, huống chi công việc đảm nhận lại liên quan đến vấn đề nhạy cảm của xã hội. Vì vậy, anh Long xác định, muốn hoàn thành tốt nghiệm vụ thì phải tiếp tục nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn. Và sau hai năm kiên trì học tập, anh đã tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành công tác xã hội. Từ kiến thức có được, anh và đồng nghiệp luôn trăn trở, nghiên cứu tìm tòi các giải pháp điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy, tiếp nhận hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng – một điều không hề đơn giản.

Anh Nguyễn Tường Long tâm sự, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng sôi động, trong điều kiện đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, bên cạnh những mặt tốt, cũng có không ít những “độc hại” xâm nhập, một số ít người do không xác định được mục tiêu lý tưởng sống đã sa vào các tệ nạn xã hội. Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình đang giàu có, sống yên ấm bỗng chốc trở nên khốn khó, vợ chồng ly tán, gia đình khuynh gia bại sản vì ma túy, những phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới trở về không công ăn, việc làm... Từ đó, tôi luôn trăn trở, lo lắng trước tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng  đến lối sống của một số người, nhất là lớp trẻ.

Trải qua nhiều năm gắn bó, anh đã dành tất cả tâm huyết cho công việc, thường xuyên tiếp xúc, đồng cảm chia sẻ với người nghiện và gia đình họ. Anh hiểu rằng, để giúp họ phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách của từng người, không chỉ đơn giản sử dụng thuốc là đủ mà còn phải áp dụng các biện pháp tổng hợp khác, trong đó giải pháp tư vấn tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, tư vấn kỹ năng sống, kỹ năng đối phó cơn nghiện là vô cùng quan trọng. Với cương vị lãnh đạo Chi cục PCTNXH, anh Long đã tham mưu cho Sở trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và đề án quan trọng mang tính chiến lược về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của tỉnh Lào Cai liên tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện và điều trị bằng thuốc Methadone theo mô hình xã hội hóa cho 1.201/800 học viên, đạt 150,1% kế hoạch năm; tiếp nhận, hỗ trợ 200 nạn nhân bị mua bán trở về, trợ giúp hơn 180 người tái hòa nhập cộng đồng thông qua mô hình Nhà Nhân ái; xây dựng 2 Câu lạc bộ “Nhóm tự lực” và “Giảm hại cho người bán dâm”; tổ chức 17 lớp tập huấn cho 992 lượt cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện và cấp xã, phường; tổ chức 45 buổi tuyên truyền, 11 diễn đàn thu hút trên 11.000 lượt người tham dự; phát hành 5.000 cuốn sổ tay, 20 pa nô, 30.000 tờ rơi và 2.000 cuốn Bản tin Phòng, chống tệ nạn xã hội tới các Cơ sở cai nghiện và cộng đồng; chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm (Đội 178 tỉnh) tổ chức 11 đợt kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm tại 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ, đạt 110% kế hoạch năm. Những kết quả trên đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, từ năm 2013, anh Long đã trực tiếp tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở thí điểm mô hình Cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc Methadone theo hình thức xã hội hóa đầu tiên, đến nay, năm nào mô hình này cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao. Năm 2017, các Cơ sở  điều trị nghiện tiếp nhận mới 150/100 người, vượt 50% kế hoạch năm. Hiện, mô hình điều trị nghiện bằng Methadone đang được nhân rộng, áp dụng trên địa bàn 6 huyện, thành phố tại 16 cơ sở với số người điều trị là 1.586 bệnh nhân, lũy kế 2.314 người. Lần đầu tiên, tỉnh Lào Cai đã thực hiện thành công xã hội hóa công tác điều trị nghiện ma túy và thu nộp ngân sách tỉnh 6 tỷ đồng.

Đối với những phận đời lầm lỡ, anh đề xuất xây dựng Nhà Nhân ái, đây là mô hình sáng tạo, đổi mới về công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về một cách toàn diện, bền vững; thu hút các nguồn lực và sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước. Từ năm 2010 đến nay, đã có 14 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Chi cục PCTNXH và Nhà nhân ái. Tổ chức Vòng tay Thái bình, Đại sứ quán Anh hỗ trợ nguồn lực, kĩ thuật cho Nhà nhân ái, trị giá trên 7 tỷ đồng; Tổ chức Di cư quốc tế hỗ trợ 455 triệu đồng cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giai đoạn 2018-2020... Nhờ đó, các em, các cháu đều được chăm lo ăn, học, giáo dục, chữa bệnh, học nghề, có việc làm, tái hòa nhập gia đình cộng đồng an toàn, góp phần làm thay đổi cơ bản cuộc sống của các nạn nhân.

Cơ sở Nhà Nhân ái còn được các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đến thăm và đánh giá cao kết quả hoạt động mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Trong năm qua, đã có trên 10 đoàn khách các tỉnh, thành phố đến thăm quan, học tập kinh nghiệm. Các hãng thông tấn báo chí Quốc tế đến đưa tin và phóng sự như CNN của Mỹ, AFP của Pháp, XiMen của Đức... Mô hình Nhà Nhân ái còn là nơi hoàn thiện hành vi nhân cách và giáo dục cho nạn nhân vươn lên xây dựng hạnh phúc, thay đổi cuộc sống. Trong đó, có 2 em thi đỗ đại học, nhiều em đỗ các trường cao đẳng, trường nghề. Các em đều có việc làm và thu nhập bảo đảm cuộc sống, không bị tái mua bán, không mắc các tệ nạn xã hội. Nhà Nhân ái còn là nơi nghiên cứu thực tiễn để bổ sung cơ chế, chính sách và giảng dạy về công tác xã hội đối với người yếu thế.

Trên cương vị là Bí thư Chi bộ thuộc Đảng bộ Sở Lao động - TBXH, Chủ tịch Hội CCB, mặc dù bận nhiều công việc chuyên môn, nhưng Chi cục trưởng Nguyễn Tường Long vẫn thường xuyên quan tâm đời sống cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong đơn vị, giữ đúng chuẩn mực là các bộ công chức khi về sinh hoạt tại khu dân cư, gia đình nhiều năm đạt gia đình văn hóa và gia đình hiếu học. Với tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc, anh luôn tìm tòi cách làm hiệu quả nhất. Năm 2017, anh xây dựng Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai” được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Trong cùng năm, Sở LĐTBXH còn công nhận sáng kiến cấp cơ sở do anh làm Chủ nhiệm đề tài “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh”. Sau đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 về việc chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thành Cơ sở cai nghiện số 1 theo đề án trên.

Là một người năng động, tâm huyết, nắm vững chuyên môn, ngoài chức vụ là Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH, anh Long còn được UBND tỉnh và Sở tin tưởng giao trọng trách trực tiếp quản lý, điều hành Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc that thế Methadone số 1, số 2 và Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (Nhà Nhân ái). Ở cương vị công tác nào, anh đều gắn bó, gần gũi với những “người lầm lỡ” và luôn lắng nghe, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp.

Tiếp xúc với các thế hệ lãnh đạo Sở LĐTBXH cũng như đồng nghiệp, học viên tái hòa nhập cộng đồng, ai cũng đều có chung nhận xét, Nguyễn Tường Long là một cán bộ tâm huyết với nghề, hết lòng vì những phận đời lầm lỡ, được mọi người tin yêu./.                                                           

Thanh Vân (VP Sở LĐTBXH Lào Cai)