Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 Ngày đăng: 17/07/2018
Ngày 13⁄7⁄2018, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ: Công an, Y tế, Văn phòng Chính phủ, một số đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Chi cục PCTNXH, Cơ sở điều trị, cai nghiện của 13 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, tại Việt Nam, tính đến 15/11/2017, có 222.582 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, gần 50% có sử dụng ATS và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ 2016, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7 %). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như: Cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.

Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng báo cáo tại Hội thảo 

Hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Đây là thực tế đáng chú ý khi xây dựng chính sách đối với người sử dụng, người nghiện ma túy, không chỉ xem trọng khía cạnh y tế mà cần cân nhắc trọng tâm là các khía cạnh xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện.

Thi hành Luật Phòng, chống ma túy và các luật liên quan (giai đoạn 2009 - 2017), riêng lĩnh vực cai nghiện ma tuý, Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định, 01 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định, 01 chỉ thị; Bộ trưởng BLĐTBXH đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 17 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiệnNgoài ra, có 10 luật và 01 Pháp lệnh, 08 Nghị định, 01 Nghị quyết, 03 Quyết định, 01 Chỉ thị, 02 Thông tư có liên quan đến cai nghiện đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành liên quan ban hành. Cho đến nay, các quy định pháp luật về cai nghiện ma tuý đã có sự vận động tích cực, thúc đẩy trách nhiệm ở cả Trung ương và địa phương cũng như trách nhiệm xã hội của các chủ thể khác, với khuôn khổ thể chế ngày càng đầy đủ, toàn diện và tiệm cận với xu hướng tiến bộ của thế giới, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện ma tuý.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số tồn tại, khó khăn như: nhiều quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các luật có liên quan chưa cụ thể, không rõ ràng, nhiều nội dung phải luật định thì lại được quy định ở văn bản dưới luật, dẫn đến không phù hợp về thể thức, thẩm quyền nên hiệu lực pháp luật không cao. Nhiều quy định dưới luật không có tính ổn định, sửa nhiều lần, quy định tản mát, khó hiểu, khó áp dụng. Nhiều quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa pháp luật về phòng, chống ma túy và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện, cùng một nội dung nhưng mỗi địa phương thực hiện theo một cách khác nhau, thậm chí có địa phương không biết phải làm như thế nào; nhiều quy định chưa phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, dẫn đến có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương.

Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trên là do Luật Phòng, chống ma túy khi ban hành năm 2000 bị giới hạn bởi quan điểm “nghiện các chất ma túy là một tệ nạn xã hội”, hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội” và khi sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 vẫn là quan điểm đó và giải pháp cứng rắn hơn với chính sách quản lý sau cai bắt buộc. Trong khi đó, công tác dự báo tác động (RIA) khi xây dựng pháp luật về cai nghiện ma túy chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học nên không sớm phát hiện các quy định không bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi khi ban hành. Do một số quy định pháp luật không hợp lý, không khả thi, nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật rất khó khăn và không thể giải quyết tận gốc được những tồn tại cơ bản.

Toàn cảnh Hội thảo 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008), trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tiễn như: quy định người nghiện tự khai báo tình trạng nghiện là rất khó, người nghiện họ không khai báo tình trạng nghiện của mình; người nghiện từ 12- 18 tuổi đang có sự chưa thống nhất trong các văn bản pháp luật thì xử lý thế nào, quy định về quản lý sau cai cho người nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, đại diện của một số tỉnh, thành phố cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về một số mô hình cai nghiện, điều trị có hiệu quả. 

 Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập đã ghi nhận sự tham gia tích cực của các đại biểu, các nội dung tại Hội thảo là hết sức cần thiết, là cơ sở để chuẩn bị các nội dung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy.

Trên cơ sở trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu một cách đầy đủ và có trách nhiệm những ý kiến góp ý của các đại biểu, lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành phố và hoàn thiện Dự thảo báo cáo trước khi trình Chính phủ./.

TM