Nhìn lại kết quả 2 năm thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” Ngày đăng: 19/07/2018
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một việc làm có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Hoạt động này không chỉ giúp các nạn nhân thoát khỏi sự tổn thương về sức khỏe, thể chất và tinh thần mà còn giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ nhu cầu thiết yếu, ổn định cho cuộc sống. Trong hơn 2 năm qua (từ năm 2016 đến hết tháng 5 năm 2018), đã có gần 1.000 nạn nhân bị mua bán được các lực lượng chức năng tiếp nhận trở về.

Thực trạng tình hình mua bán người ở Việt Nam       

Theo số liệu từ Bộ Công an, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Nạn nhân bị bán thường là những phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới và đang trong độ tuổi kết hôn, không có việc làm ổn định. Nạn nhân bị bán với nhiều mục đích khác nhau như bán cho đàn ông làm vợ hoặc làm con nuôi, đưa nạn nhân bán vào các quán cà phê trá hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, bán cho các chủ chứa hoạt động mại dâm ép hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi, đẻ thuê, bán nội tạng....

Tại một số tỉnh như Thành phố phố Chí Minh, đối tượng phạm tội hành vi mua bán người tìm đến những nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản, nhà bảo sanh móc nối với nhân viên các cơ sở này để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mang thai ngoài ý muốn nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh hoặc mua bán các trẻ có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi sau khi sinh). Còn tại tỉnh Quảng Ninh, đã xuất hiện đối tượng lừa đưa các nạn nhân là người nước ngoài (quốc tịch Campuchia) xuất phát từ các tỉnh phía nam ra Quảng Ninh bán sang Trung Quốc kiếm lời; tỉnh Hậu Giang, nguy cơ xảy ra tội phạm mua bán người chủ yếu tình trạng lợi dụng kết hôn trá hình với người nước ngoài tập trung ở các nước Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về bị tổn thương nặng nề về sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Tinh thần hoảng loạn, không ổn định do sợ hãi, bị đe dọa, bị đưa đi bán lại nhiều lần, thậm chí có một vài trường hợp bị xâm hại cả tính mạng. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người.

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Hơn hai năm tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân

Triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016- 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2015 của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt Đề án ”Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai đề án trên toàn quốc; xây dựng và triển khai thí điểm Bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hiện hành về hỗ trợ nạn nhân; xây dựng thống nhất chỉ số, biểu mẫu thống kê về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đối với các tỉnh, thành phố; xây dựng khung định mức kinh tế kỹ thuật thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; xây dựng, thống nhất biểu mẫu, tiêu chí thống kê về nạn nhân và công tác hỗ trợ nạn nhân.

Cùng với đó, Bộ phối hợp với tổ chức UN- ACT xây dựng Bộ tài liệu về hướng dẫn công tác tiếp nhận- hỗ trợ- chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp xây dựng các thỏa thuận với cơ quan chức năng nước ngoài liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán như dự thảo Hiệp định Việt Nam- Malayxia, dự thảo biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người; xây dựng Bộ quy tắc chung các cơ chế và thủ tục để hướng dẫn xác nhận nạn nhân trong khu vực ASEAN nhằm thúc đẩy việc đối xử bình đẳng trong hỗ trợ, phối hợp giữa các quốc gia; hướng dẫn chung của COMMIT về tuyển dụng lao động di cư về phòng, chống mua bán người; quy định và quản lý với hoạt động di cư vì mục đích hôn nhân.

Bộ còn tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã làm công tác hỗ trợ nạ nhân của các tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng về chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa theo chức năng nhiệm vụ của ngành thông qua cá chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm; rà soát, đánh giá thực trạng dịch vụ, cơ sở vật chất hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đề xuất nâng cấp trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác này, đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương theo quy định.

Về phía các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm, Sở đều có văn bản hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó, chỉ đạo về việc thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; thực hiện tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác phòng, chống mua bán người; tổ chức khóa tập huấn cho cán bộ ngành Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, hỗ trợ; chỉ đạo, đôn đốc Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc rà soát, thống kê, thu thập thông tin nạn nhân bị mua bán trở về.

Nhiều tỉnh, thành phố còn có những cách làm tích cực để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kịp thời, hiệu quả. Điển hình, tỉnh Nghệ An, nhiều đơn vị đã có các giải pháp như tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động, thành lập các đoàn liên ngành (Công an, Tư pháp, Phụ nữ, Lao động - Thương binh và Xã hội) xuống các địa bàn để khảo sát, đánh giá và tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hay tỉnh Quảng Ninh Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm tình hình lao động dịch chuyển qua biên giới làm việc trái phép; tham mưu và triển khai Bản ghi nhớ hợp tác quản lý lao động qua biên giới, phòng, chống di cư trái phép đi lao động thời vụ giữa tỉnh Quảng Ninh - Việt Nam với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, nhằm hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm mua bán người, đảm bảo mục tiêu 100% người bị mua bán trở về có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh đều được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước, đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng dân cư, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân thuộc quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội...

Để có thể thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, các tỉnh, thành phố đều đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh, thành phố (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ) đã bố trí phòng ở trên cơ sở vật chất hiện có (phòng nghỉ, khu sinh hoạt tập thể và cá nhân cho nạn nhân lưu trú) và là đơn vị thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, có tỉnh, thành phố còn đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân như tỉnh Đồng Tháp, tuyến biên giới được tỉnh đầu tư xây dựng 02 cơ sở tiếp nhận (gồm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng và Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng quản lý; 01 cơ sở là Trung tâm Bảo trợ xã hội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

Nhờ vậy, từ năm 2016 - 2018 (tính đến tháng 5/2018), ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân bị mua bán trở về. Điển hình, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 228 nạn nhân (203 phụ nữ, 25 trẻ em), trong đó, có 07 nạn nhân là người Quảng Ninh, 221 nạn nhân là người các tỉnh khác. Tỉnh Điện Biên là 131 nạn nhân, trong đó, năm 2016 là 68 nạn nhân, năm 2017 là 45 nạn nhân và 5 tháng đầu năm 2018 là 18 nạn nhân. Tỉnh Lai Châu là 54 nạn nhân, trong đó năm 2016 là 18 nạn nhân, năm 2017 là 12 nạn nhân, năm 2018 là 12 nạn nhân, phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận 12 nạn nhân trở về. Tỉnh Lạng Sơn là 31 nạn nhân, bên cạnh đó Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh còn tiếp nhận và hỗ trợ cho 817 trường hợp là công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị trao trả do các lực lượng chức năng tỉnh chuyển đến. Tỉnh Sóc Trăng là 07 nạn nhân, trong đó, tiếp nhận từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Sông Tiền, An Giang 06 người, tiếp nhận từ tổ chức Trẻ em Rồng xanh 01 em gái bị lừa đi du lịch rồi ép gả chồng cho người Trung quốc. Tỉnh Tây Ninh, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp nhận 44 nạn nhân qua các vụ xử lý hình sự về mua bán người… 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã) tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách.

Với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố trước khi trở về địa phương được bố trí nơi lưu trú, hỗ trợ cần thiết tại Cơ sở hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố và được hỗ trợ tiền tàu xe để trở về nơi cư trú. Còn đối với các nạn nhân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố, khi trở về đã được ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng; với nạn nhân là trẻ em, chính quyền địa phương đã hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh cho các bé. Việc hỗ trợ cho các nạn nhân đảm bảo quy định về nội dung, định mức chi theo quy định của Nhà nước.

Xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng cần tiếp tục nhân rộng

Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình, An Giang, Lào Cai đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế (Quỹ Châu Á, Tầm nhìn Thế giới, Tổ chức vòng tay Thái Bình, Tổ chức Di cư quốc tế, Liên minh phòng, chống mua bán người...) để thực hiện xây dựng hiệu quả một số mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.

Tỉnh Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”; tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương cho nạn nhân bị mua bán trở về”. Các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm Tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh đường biên giới của tỉnh Nghệ An.

Với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng một số mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng như thành phố Hải Phòng với mô hình "Nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng". Tỉnh Khánh Hòa với mô hình tư vấn nhóm cho nạn nhân bị mua bán và nhóm người có nguy cơ cao tại các địa bàn trọng điểm. Mô hình đã triển khai tư vấn nhóm cho 952 người có nguy cơ cao tại các địa bàn. Tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu với mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, người có nguy cơ cao phòng, tránh lây nhiễm HIV”. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Phú Thọ với mô hình “Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”.

Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng đã được các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn, nhất là các mô hình Nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả thiết thực và cần được tăng cường trong thời gian tới. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ bị buôn bán và bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục kỹ năng sống, lưu trú, học văn hóa, học nghề, thăm khám y tế để tái hòa nhập cộng đồng bền vững, tạo nguồn vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho cuộc sống.

Một số giải pháp

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

-  Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng các khu dân cư tự giác chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm về phòng, tránh mua bán người.

- Hai là, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho người lao động trước khi đi làm ăn xa, hoặc xuất khẩu lao động và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; coi trọng công tác xây dựng mô hình chuyên sâu, mô hình lồng ghép trong phòng, chống mua bán người.

- Ba là, tăng cường sự phối hợp của các ban, ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, từ các cơ quan Trung ương đến địa phương, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, cán bộ và nạn nhân bị mua bán.

- Bốn là, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin liên lạc giữa các cơ quan chức năng để phối hợp kịp thời và chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu công việc; xây dựng mạng lưới phối hợp thực hiện công tác công tác phòng ngừa, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ cấp cơ sở.

- Năm là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng./.

Nhữ Ngọc Cương