Khó khăn, thách thức trong thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 10/07/2018
Theo báo cáo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh- Bộ Công an, từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiến hành xác minh 133 trường hợp nạn nhân bị mua bán theo con đường chính thức (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác minh), nhưng trên thực tế số nạn nhân bị mua bán có thể còn nhiều hơn do những lý do khác nhau như: nhiều nạn nhân tự giải cứu, tự trở về qua đường mòn biên giới, hay bản thân nạn nhân do nhiều nguyên nhân khác nhau che dấu, không muốn trình bày về việc bị mua bán nên được xác minh, tiếp nhận như những trường hợp bị trục xuất do nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp khác...

Chia sẻ về thực trạng, tình hình công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua trở về, Thượng tá Đặng Tuấn Long- Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh- Bộ Công an cho biết, công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán là một khâu quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người. Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về theo Hiệp định song phương đã ký với các nước, Cục Quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an luôn coi trọng và tổ chức thực hiện tốt công tác này, tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mua bán người, nhận thức sâu sắc quan điểm “không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được tình trạng mua bán người qua biên giới mà không có sự hợp tác song phương hoặc đa phương”, Việt Nam đã phối hợp với các nước thực hiện tốt Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hoạt động phạm tội mua bán người qua biên giới và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp tốt với các nước trong công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán theo quy định của Hiệp định. Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiến hành xác minh 133 trường hợp nạn nhân bị mua bán theo con đường chính thức (cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác minh). Trong đó, đồng ý tiếp nhận 132 trường hợp, chưa đồng ý tiếp nhận 1 trường hợp do đương sự cung cấp địa chỉ không chính xác nên không có cơ sở để xác minh. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan (lực lượng xuất nhập cảnh, Biên phòng, Cảnh sát điều tra, Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức quốc tế….), các nạn nhân đã được cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tiền tàu xe đi về nơi cư trú hoặc được chuyển cho sở Lao động – Thương binh và Xã hội để đưa vào các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Trên thực tế, số lượng nạn nhân có thể lớn hơn nhiều so với số liệu Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an Việt Nam đã xác minh nêu trên, nhưng cơ quan chức năng chưa nắm được do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do mặc cảm, sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống cá nhân nên nhiều nạn nhân thường không khai báo. Vì vậy, phía Trung Quốc hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc không biết họ là nạn nhân và thường đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh xác minh nhân thân như các trường hợp cư trú bất hợp pháp khác. Nhiều trường hợp là nạn nhân, nhưng không có đủ cơ sở, tài liệu chứng minh là nạn nhân.

Thứ hai, với đặc điểm địa lý của Việt Nam có đường biên giới trên bộ dài, nhiều đường tiểu mạch để người dân khu vực biên giới giao thương. Vì vậy, nhiều trường hợp nạn nhân tự trở về không qua thủ tục tiếp nhận gây khó khăn trong việc quản lý, xác định nạn nhân.

Thứ ba, có trường hợp vừa là nạn nhân, vừa là tội phạm (trước đây đã từng là nạn nhân, bị lừa bán nhưng sau đó lại trở thành tội phạm, quay lại lừa bán người khác), do đó, việc xác định họ là nạn nhân hay tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các yêu cầu xác minh về nạn nhân thường đòi hỏi khẩn trương nhưng đa số nạn nhân lại sống ở vùng nông thôn xa xôi hoặc miền núi hiểm trở nên nhân lực và phương tiện để phục vụ cho công tác xác minh của địa phương chưa đáp ứng kịp thời.

Ngoài ra, cán bộ làm công tác này ở một số đơn vị, địa phương phần lớn không chuyên trách, thường xuyên luân chuyển, ít được đào tạo, tập huấn dẫn đến kỹ năng điều tra, xác minh chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thượng tá Đặng Tuấn Long cho biết, khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận yêu cầu xác minh, các thông tin về nạn nhân (họ tên, địa chỉ, thân nhân…) sau khi được phiên âm sang tiếng Việt, nhiều trường hợp không chính xác, cụ thể nên công tác xác minh gây mất nhiều thời gian và khó thu được kết quả. Tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất. Dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. Do đó chưa thống nhất trong việc hỗ trợ nạn nhân. Riêng đối với Trung Quốc, do tại Hiệp định giữa 2 nước về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người không quy định cụ thể cơ quan đầu mối của hai bên trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân; cơ chế phối hợp và trình tự thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân và Tiêu chí xác định nạn nhân dẫn đến còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện.

Để công tác xác minh, xác định và tiếp nhận nạn nhân được nhanh chóng và hiệu quả, theo Thượng tá Đặng Tuấn Long, cần phải xây dựng, thống nhất với các nước về tiêu chí xác định nạn nhân, cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin, hồi hương nạn nhân trong đó nêu cụ thể về: đầu mối liên lạc và cách thức trao đổi giữa hai bên; các yếu tố thông tin cần trao đổi về nạn nhân, các tài liệu và bằng chứng để xác định nạn nhân; các thông tin về thời gian, địa điểm trao trả nạn nhân;... 

Thường niên tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định với các nước cũng như dự báo và có biện pháp đối phó với những vấn đề mới sẽ gặp phải do tình hình mới, xu hướng mới của loại tội phạm mua bán người.

Tập trung vào công tác hướng dẫn, đôn đốc Công an các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác xác minh, xác định nạn nhân theo quy định tại Thông tư 01/TTLT và theo các thỏa thuận song phương đã và sẽ ký với các nước trong thời gian tới.

Các cán bộ trực tiếp làm công tác xác minh, xác định nạn nhân của các cơ quan chức năng liên quan trong nước cũng cần thường xuyên được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, liên lạc với nhau để có thể phối hợp được chặt chẽ và kịp thời, vì các yêu cầu xác minh, tiếp nhận nạn nhân thường rất gấp.

Đồng thời, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người cho nhân dân dọc biên giới hai nước, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ cao để bà con có ý thức cảnh giác và biện pháp phòng ngừa với loại tội phạm này...

Kim Dung