Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 Ngày đăng: 28/06/2018
Ngày 27⁄6⁄2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Chi cục PCTNXH, Cơ sở điều trị, cai nghiện của 15 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy và một số phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội tham dự.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, tại Việt Nam, tính đến 15/11/2017, có 222.582 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ATS và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7 %). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như: Cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.

Người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi. Tệ nạn nghiện ma túy phát triển theo các luồng di cư lao động, đặc biệt là di cư lao động tự do đến các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, và từ đó dịch chuyển trở lại nông thôn. Trong khi tỷ lệ người nghiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc so với cả nước có xu hướng giảm rõ rệt (từ khoảng 60% cuối năm 1994, nay duy trì ở mức dưới 30%) thì tỷ lệ này ở Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam bộ ngày càng tăng (Đồng bằng Sông Hồng từ 13,6% năm 1994 tăng lên trên 30% năm 2016).

Hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Đây là thực tế đáng chú ý khi xây dựng chính sách đối với người sử dụng, người nghiện ma túy, không chỉ xem trọng khía cạnh y tế mà cần cân nhắc trọng tâm là các khía cạnh xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện.

Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH báo cáo tại Hội thảo

Thi hành Luật Phòng, chống ma túy và các luật liên quan (giai đoạn 2009 - 2017), riêng lĩnh vực cai nghiện ma tuý, Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định, 01 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định, 01 chỉ thị; Bộ trưởng BLĐTBXH đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 17 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, có 10 luật và 01 Pháp lệnh, 08 Nghị định, 01 Nghị quyết, 03 Quyết định, 01 Chỉ thị, 02 Thông tư có liên quan đến cai nghiện đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành liên quan ban hành. Cho đến nay, các quy định pháp luật về cai nghiện ma tuý đã có sự vận động tích cực, thúc đẩy trách nhiệm ở cả Trung ương và địa phương cũng như trách nhiệm xã hội của các chủ thể khác, với khuôn khổ thể chế ngày càng đầy đủ, toàn diện và tiệm cận với xu hướng tiến bộ của thế giới, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện ma tuý.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số tồn tại, khó khăn như: nhiều quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các luật có liên quan chưa cụ thể, không rõ ràng, nhiều nội dung phải luật định thì lại được quy định ở văn bản dưới luật, dẫn đến không phù hợp về thể thức, thẩm quyền nên hiệu lực pháp luật không cao. Nhiều quy định dưới luật không có tính ổn định, sửa nhiều lần, quy định tản mát, khó hiểu, khó áp dụng. Nhiều quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa pháp luật về phòng, chống ma túy và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, gây ra lúng túng trong tổ chức thực hiện, cùng một nội dung nhưng mỗi địa phương thực hiện theo một cách khác nhau, thậm chí có địa phương không biết phải làm như thế nào; nhiều quy định chưa phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, dẫn đến có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương.

Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trên là do Luật Phòng, chống ma túy khi ban hành năm 2000 bị giới hạn bởi quan điểm “nghiện các chất ma túy là một tệ nạn xã hội”, hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội” và khi sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 vẫn là quan điểm đó và giải pháp cứng rắn hơn với chính sách quản lý sau cai bắt buộc. Trong khi đó, công tác dự báo tác động (RIA) khi xây dựng pháp luật về cai nghiện ma túy chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học nên không sớm phát hiện các quy định không bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi khi ban hành. Do một số quy định pháp luật không hợp lý, không khả thi, nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật rất khó khăn và không thể giải quyết tận gốc được những tồn tại cơ bản.

Tại Hội thảo, đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Tổng cục Cảnh sát cho biết, hiện số người nghiện ma túy gia tăng theo từng năm và có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2000, số người nghiện chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh vùng Tây Bắc, tập trung vào nhóm có trình độ văn hóa thấp, không có công ăn việc làm thì đến nay người nghiện đã xuất hiện ở mọi nơi từ thành thị đến nông thôn trong toàn quốc. Người nghiện đa dạng về thành phần, có cả công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, thậm chí có cả đảng viên, tỷ lệ ngày càng trẻ hóa. Đáng chú ý, phần lớn người nghiện ma túy là người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, bình quân thu nhập của họ chưa đảm bảo được 1/3 nhu cầu sử dụng ma túy. Đa số các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không sẵn sàng tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc mặc dù họ sẵn sàng thực hiện trách nhiệm xã hội bằng tiền hoặc hiện vật.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục điều tra tội phạm ma túy trao đổi tại Hội thảo 

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, ông Hậu cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, việc tuyên truyền phải đúng đối tượng, bằng nhiều biện pháp, tập trung ở các địa bàn trọng điểm. Hơn hết, các địa phương cũng cần chủ động tạo điều kiện giúp cho người nghiện và gia đình họ ổn định cuộc sống, có sự vận động khéo léo để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tiếp nhận người nghiện sau cai vào làm việc. Địa phương thậm chí có thể cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quản lý, đảm bảo những người được cai nghiện lao động sản xuất tốt. “Gốc rễ của vấn đề phòng chống ma túy là phải giảm trên cả ba tiêu chí là giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Cốt lõi là ngăn chặn sự gia tăng, từng bước làm giảm người nghiện, nhất là tình trạng người nghiện đang trẻ hóa” - ông Hậu nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008), trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Ngoài ra, tại Hội thảo, đại biểu của một số tổ chức quốc tế đã giới thiệu tóm tắt chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy; trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách với người sử dụng ma túy; chính sách của một số quốc gia đối với người sử dụng ma túy và vai trò của người sử dụng ma túy trong công tác xây dựng và thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, đại diện của một số tỉnh, thành phố cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về một số mô hình cai nghiện, điều trị có hiệu quả. 

 Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã ghi nhận sự tham gia tích cực của các đại biểu, các nội dung tại Hội thảo là hết sức cần thiết, là cơ sở để chuẩn bị các nội dung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy.

Toàn cảnh Hội thảo

Trên cơ sở trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hà yêu cầu Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu, tiếp thu một cách đầy đủ và có trách nhiệm những ý kiến góp ý của các đại biểu, đặc biệt là kinh nghiệm hay của quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, trong đó quan tâm nghiên cứu, từng bước áp dụng các chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và chuẩn quốc tế về điều trị nghiện ma túy mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay./.

TM