Đánh giá kết quả thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và quy định của Hiến pháp Ngày đăng: 27/06/2018
Ngày 27⁄6⁄2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Chi cục PCTNXH, Cơ sở điều trị, cai nghiện của 15 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy và một số phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát; ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người.

Theo Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc thì vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Tính đến cuối năm 2014, thế giới có khoảng 247 triệu người ở độ tuổi từ 15 tuổi đến 64 tuổi từng sử dụng chất ma túy, trong đó khoảng 10% đã nghiện.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66%dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Kết quả này được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố nên không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng nó cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay.

Báo cáo tại Hội nghị phòng chống, kiểm soát ma túy các nước tiểu vùng sông Mê Công năm 2016 ghi nhận tình hình hết sức phức tạp: Trung Quốc có trên 3 triệu người nghiện, trong đó trên 60% có sử dụng ATS; Thái Lan có hơn 500 nghìn người nghiện, trong đó 94% có sử dụng ATS; Lào có khoảng 70 nghìn người nghiện, trong đó trên 80% có sử dụng ATS; Cam-pu-chia hơn 16 nghìn người nghiện, trong đó trên 90% có sử dụng ATS; Phi-lip-pin có 100% người nghiện sử dụng ATS.

Tại Việt Nam, tính đến giữa tháng 11 năm 2017, có trên 222 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ATS và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ năm 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện cao như các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Trà Vinh có  trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như: cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Thứ trưởng cho rằng các nội dung tại Hội thảo là hết sức cần thiết, là cơ sở để chuẩn bị các nội dung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung sau:

- Tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thi hành chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy quy định tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008), trong đó cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy.

 - Tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để sửa đổi, bổ sung luật phòng, chống ma túy trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, trên cơ sở chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, chúng ta cần tiếp thu kinh nghiệm hay trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, trong đó, quan tâm nghiên cứu, từng bước áp dụng các chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma túy và chuẩn quốc tế về điều trị nghiện ma túy mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay./.

TM