Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy Ngày đăng: 16/06/2018
Đây là chủ đề trong Lễ mít tinh do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức vào sáng 16-6 nhằm hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26⁄6). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu.

Cùng dự Lễ mít tinh, còn có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và hơn 400 sinh viên.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ma túy đã trở thành hiểm họa chung của toàn cầu; số người sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng, hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra cho xã hội rất lớn, trực tiếp và gián tiếp gây ra những bất ổn định về chính trị - xã hội. Tại Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy luôn diễn ra cam go, gian nan, phức tạp từng ngày, từng giờ. Năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 22.346 vụ, 34.494 đối tượng liên quan tới ma túy; thu giữ 906,7 kg heroin (tăng 49%), 856,9 kg và 79.487 viên ma túy tổng hợp (tăng 129%), 376,4 kg cần sa khô, 111 kg cần sa tươi, 108 kg cỏ Mỹ, 17,6 kg ketamin...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ mít tinh

Hiện, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Ước tính số tiền người nghiện dùng để mua ma tuý khoảng 2.100 tỷ đồng/năm, thêm vào đó là hơn 1.000 tỷ đồng vận hành các Cơ sở cai nghiện, cùng những hệ luỵ về trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất là số người bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và tình hình an ninh trật tự xã hội; là nguyên nhân gây ra lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội; gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới như “ma túy đá”, “cần sa tổng hợp”, “thuốc lắc”… đang có dấu hiệu lan rộng ở nhiều địa phương.

Trên thế giới, từ năm 2010 - 2017, số người sử dụng ma túy trong độ tuổi 15 - 64 đã tăng từ 226 triệu người lên 255 triệu người, chiếm 5% số người trong độ tuổi này trên toàn cầu. Trong đó có 32,5 triệu người sử dụng các loại ma túy gốc thuốc phiện đã qua điều chế, 16,5 triệu người sử dụng thuốc phiện tự nhiên, 37 triệu người sử dụng Amphetamine, 22 triệu người sử dụng Ecstasy và 183 triệu người sử dụng cần sa. Đi kèm với thực tế này là tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng và tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự lễ mít tinh

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mặc dù các cơ quan chức năng, nhiều kênh tuyên truyền đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy này, song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ. Không ít thanh niên hiện nay vẫn còn rất mơ hồ về sự nguy hại của các chất hướng thần này, coi đó đơn thuần chỉ là các chất kích thích, có thể dùng chúng như một trò chơi vô hại. Bỏ qua cảnh báo của các cơ quan truyền thông, không ít người, nhất là thanh niên mắc nghiện và gánh chịu hậu quả nặng nề về thể chất và tâm thần. 

“Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng tấn công của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Năm 2018, trong rất nhiều nội dung phòng, chống ma túy cần phải triển khai, Chính phủ đã chọn chủ đề “Hãy bảo thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”,chính là muốn nhắc nhở chúng ta về nguy cơ của thảm họa ma túy tổng hợp, các chất hướng thần và hiểm họa ma túy đã trở thành vấn đề nhức nhối đang hiện hữu ở nhiều nước trên thế giới. Chủ đề này cũng phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc nhân ngày 26-6 năm nay. Trước hết hãy lắng nghe - Lắng nghe con trẻ là một trong những bước ban đầu để giúp các em phát triển khỏe mạnh và an toàn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đề cập vai trò của truyền thông, Phó Thủ tướng chỉ rõ, truyền thông vô cùng quan trọng bởi để phòng, chống ma túy thì cần nhận biết nó thế nào. Có khi chỉ đốt một chiếc lá hay vui uống một cốc nước tưởng chừng như vô hại nhưng vô tình nhiều người đã một chân bước vào con đường nghiện ma túy. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân, trong đó đặc biệt là các em học sinh, sinh viên; tập trung chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy. Đồng thời, lực lượng Công an cùng với các cơ quan chức năng tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, lôi kéo sử dụng trái phép các chất ma túy; làm trong sạch địa bàn xung quanh trường học, ký túc xá, khu trọ sinh viên, không để các đối tượng tội phạm về ma túy lợi dụng mua bán, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy và các sản phẩm có chứa ma túy.

“Bên cạnh tìm hiểu biện pháp phòng, chống ma túy, các bạn trẻ cần tuyên truyền đến tới bạn bè, người xung quanh, gia đình và người thân về hiểm họa của ma túy. Công cuộc này phải bắt đầu từ rất sớm, thậm chí từ trong trường phổ thông để ngay các cháu nhỏ cũng biết ma túy là hiểm họa, là xấu và trong chừng mực nào đó dẫn tới tội ác. Phòng chống và tuyên truyền về hiểm họa ma túy là việc tốt, ngăn chặn cái xấu”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ các em học sinh, sinh viên.

Các em sinh viên tham quan Triển lãm ảnh

Sau lễ mít tinh, các đại biểu và sinh viên tham dự triển lãm ảnh về chủ đề “Hiểm họa ma túy – gian nan và khát vọng”./.

Như Ngọc