Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức Hội thảo về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong học sinh, sinh viên Ngày đăng: 16/06/2018
Chiều 15⁄6⁄2018, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong học sinh, sinh viên. Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) và PGS.TS Đinh Văn Hường, Trưởng Ban Công tác Học sinh, sinh viên (Đại học Quốc gia) chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Sở GD&ĐT, các tổ chức xã hội và một số trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Hội thảo nhằm mục đích tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học và nâng cao nhận thức về kỹ năng phòng tránh ma túy cho học sinh, sinh viên, thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma tú và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6).

Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Dương Văn Bá cho biết, trong những năm qua, cùng với những biến động về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, tình hình tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất, và mức độ phạm tội. Điều đáng lo ngại hơn là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến học sinh, sinh viên.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày những bài tham luận về công tác phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội; công bố kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng ma túy trong nhà trường và hoạt động truyền thông phòng chống ma túy trong trường học hiện nay; những trăn trở về giải pháp bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của hiểm họa ma túy và tệ nạn xã hội.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng thường trực phòng, chống ma túy (Bộ Công an) cho biết, ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy không nằm ngoài xu thế của khu vực và đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh các yếu tố như siêu lợi nhuận, mặt trái của quá trình hội nhập, sự thiếu đồng bộ trong quá trình đô thị hóa, còn không ít yếu tố chủ quan như chậm giải quyết các vấn đề vướng mắc về pháp luận phòng, chống ma túy, hiệu quả giảm cung, giảm cầu chưa đạt mục tiêu như chúng ta mong đợi.

Theo số liệu của Bộ Công An, tính đến cuối năm 2017, toàn quốc có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong số đó, 70% người nghiện dưới 30 tuổi, 5% người nghiện ở tuổi chưa thành niên. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma túy.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng thường trực phòng, chống ma túy (Bộ Công an) chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) thực hiện năm 2014, trong 1100 học sinh, sinh viên, có tới 42,2% người trả lời không hiểu rõ về các chất ma túy, 44% người cho rằng mình không hiểu biết gì về biểu hiện ma túy và gần 40% cho rằng mình chưa biết kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.

Bên cạnh đó, đại diện các nhà trường còn nêu những khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên, nhất là các biện pháp truyền thông chưa đạt hiệu quả.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất để việc thực hiện những hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy trong trường học thời gian tới. Đồng thời, đề nghị  Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu đưa nội dung kiến thức học về ma túy và kỹ năng phòng chống ma túy vào nội dung học chính khóa hoặc ngoại khóa; hàng năm học sinh, sinh viên cần được đào tạo, trang bị kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy; giới thiệu, cập nhất về các loại ma túy mới, ma túy trá hình; tập huấn nâng cao kiến thức cho giáo viên để có sự phối hợp với gia đình một cách tích cực, hiệu quả./.

Như Ngọc