Quảng Ninh: Tập trung triển khai các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 05/06/2018
Những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù như: chăm sóc người có công, giảm nghèo, trợ giúp đối tượng xã hội và xây dựng các mô hình hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về…

 

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có bờ biển dài 250 km, đường biên giới dài 132 km tiếp giáp với Trung Quốc; diện tích toàn tỉnh trên 6.100 km2, dân số trên 1,1 triệu người với 14 đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố và 186 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện Quảng Ninh đang tập trung cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu từ công nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Điều đó đồng nghĩa với việc tệ nạn mại dâm, ma túy, mua bán người có môi trường, cơ hội phát sinh.

Tệ nạn mại dâm ngày càng hoạt động tinh vi, trá hình, khó kiểm soát. Năm 2017, trên 100 người liên quan đến hoạt động mại dâm bị các cơ quan chức năng các địa phương phát hiện, gồm có cả người bán dâm, người mua dâm và chủ chứa. Tình hình người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhóm tuổi thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Tính đến hết tháng 12/2017, hơn 3.100 người nghiện có hồ sơ quản lý; số người nghi vấn sử dụng ma túy có thể lớn hơn nhiều số có hồ sơ quản lý.

Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Ninh Nguyễn Hoài Sơn phát biểu tại Hội nghị nhân rộng mô hình PCTNXH các tỉnh khu vực phía Bắc

Trước thực trạng trên, Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội như: ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; Đổi mới công tác cai nghiện ma túy, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới đến năm 2020 với mục tiêu đảm bảo quyền con người và hỗ trợ giảm hại; đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện và cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; quan tâm các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai… Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ 100% chi phí cho người nghiện tự nguyện có hộ khẩu thường trú trong tỉnh tại các Cơ sở cai nghiện với thời gian từ 6 tháng trở lên (bằng với mức của Trung ương chi cho người cai nghiện bắt buộc); Nghị quyết hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội với mức chi tối thiểu 0,3% tổng ngân sách của tỉnh hàng năm.

Tỉnh cũng thực hiện hoàn thành việc chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện đa chức năng, trong đó tập trung cho cai nghiện tự nguyện, cai nghiện cho trẻ vị thành niên, người không có nơi cư trú ổn định, đồng thời phê duyệt Dự án mở rộng Cơ sở cai nghiện để thực hiện Dự án tạo việc làm cho người cai nghiện và sau cai, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai 03 mô hình kết hợp biện pháp can thiệp giảm hại và hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội tại thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả; mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng tại 8 xã thuộc 5/8 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm; mô hình Câu lạc bộ “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng” tại 10 phường, thị trấn và mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng”  tại 06 phường thuộc địa bàn trọng điểm về ma túy.

Về hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành, tỉnh đã chỉ đạo Đội 178 cấp tỉnh kiểm tra 65 cơ sở kinh doanh dịch vụ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất các cơ sở có biểu hiện, nguy cơ vi phạm các quy định về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ. Qua kiểm tra, đã xử phạt 03 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng. Đồng thời, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong phòng, chống mại dâm, hướng dẫn về thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, hợp đồng lao động, tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm, đảm bảo chính sách cho người lao động...

Có thể khẳng định, bằng các cơ chế, chính sách đặc thù, nguồn kinh phí kịp thời, quyết tâm triển khai các mô hình thí điểm phòng, chống tệ nạn xã hội, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không xảy ra các điểm nóng về tệ nạn xã hội, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường xã hội thân thiện. Trong năm 2017 vừa qua, hàng ngàn lượt người bán dâm đã được tiếp cận, tư vấn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, pháp lý; 20 người được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Số người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy duy trì từ 500 - 550 người, trong đó 90% là người cai nghiện tự nguyện. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 275 người nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy nói chung và duy trì hoạt động các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội nói riêng trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, phức tạp. Với sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Quảng Ninh sẽ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Chương trình hành động phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra./.

Như Ngọc