TỰ TIN CAI NGHIỆN MA TÚY TỔNG HỢP Ngày đăng: 29/05/2018
Hàng nghìn người được cai nghiện các chất ma túy tổng hợp dạng amphetamine (ATS) và đang phục hồi tốt. Sẽ là quá sớm nếu so sánh mức độ khó khăn và sự thành công của cai nghiện ATS với cai nghiện heroin, song có thể tự tin khẳng định, nghiện ATS không phải là bó tay, vô phương cứu chữa. Điều này dựa trên cơ sở khoa học và từ thực tiễn có bằng chứng.

 

Tình hình cai nghiện ATS ở Việt Nam

Mỗi ngày, người nghiện ATS ở nước ta vẫn tăng với tốc độ cao. Tại nhiều tỉnh, thành phố, trước đây người nghiện chủ yếu nghiện heroin thì nay, 85-90% sử dụng ATS như Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, An Giang  76%... Người nghiện ATS vào Cơ sở cai nghiện (CSCN) số 1 Thanh Hóa từ năm 2013 đến nay, tính chung chiếm 80%-85% (1800/2000 người). CSCN Gia Minh (TP Hải Phòng) tiếp nhận và điều trị cho 80% người nghiện ATS trong hàng nghìn người vào cai nghiện mỗi năm.

Người nghiện ATS nước ta có đặc điểm sau: đã từng sử dụng heroin rồi chuyển sang ATS; nghiện heroin sang điều trị thay thế bằng Methadone rồi dùng kèm ATS; điều trị Methadone rồi dùng lại heroin lẫn methamphetamine, "hàng đá" (METH); nhưng cũng nhiều người (chủ yếu là thanh thiếu niên) ngay lần đầu đã dùng ATS: hồng phiến, Estasy, "đá", cỏ mỹ... Đương nhiên, đã sử dụng nhiều loại ma túy trong thời gian dài thì cai nghiện càng khó khăn hơn.

Trước thực tế đó, dù chưa có phác đồ điều trị ATS, trong khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các CSCN đã chủ động, vượt qua muôn vàn khó khăn, vận dụng, áp dụng các phác đồ cai nghiện cho người nghiện ATS. Đối với học viên khi tiếp nhận có biểu hiện rối loạn tâm thần, cơ thể suy kiệt, ăn uống kém, có nhiều bệnh lý kèm theo, CSCN thực hiện Hướng dẫn của Bộ Y tế về "Chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ATS" áp dụng liệu pháp hóa dược, sử dụng nhiều loại thuốc hướng thần, chống trầm cảm… Với kinh nghiệm cai nghiện hơn 20 năm, các CSCN đã vận dụng linh hoạt phác đồ điều trị nhóm Opiat kết hợp với các phương pháp của quốc tế, các bài thuốc đông y, liệu pháp tâm lý, giáo dục thể chất, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, giáo dục kỹ năng sống và lao động, tổ chức sinh hoạt nhóm, tư vấn điều trị…

Tất cả đã được cắt cơn êm dịu, không vật vã, an toàn, phù hợp với điều kiện kinh tế. Các CSCN của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Đồng Nai…đã cai nghiện an toàn cho hàng trăm, hàng nghìn lượt người. Hàng trăm người cai nghiện ATS tại CSCN Gia Minh tự đánh  giá và theo nhận xét của cán bộ y tế, cán bộ tư vấn đã phục hồi sức khỏe, tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, tham gia lao động, hoàn thành công việc được giao. Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh, là CSCN tự nguyện, có nhiều nghiên cứu, kinh nghiệm, phác đồ cai nghiện ATS được nhiều người nghiện và gia đình tin tưởng..Tại Thanh Hóa, qua khảo sát người cai nghiện hòa nhập cộng đồng hàng năm cho thấy, tỷ lệ chưa tái nghiện đạt hơn 15% sau 1-5 năm, hơn 5% bỏ nghiện trong thời gian 6-10 năm.

CLB Kết nối thành công do CSCN Gia Minh thành lập cho những người sau cai nghiện trở về cộng đồng để giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế, trong đó, có nhiều thành viên nòng cốt, tích cực như anh Nguyễn Văn L, Lê Thanh S, Đào Quang A, Phạm Hồng T, Phạm Minh T, Bùi Manh P, Vũ Hồng N… đã từng nghiện heroin, ATS.

Hội nghị biểu dương những người cai nghiện thành công do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tháng 6/2017, trong số gần 200 người cai nghiện tham dự có khoảng 1/3 đã từng nghiện ATS và dừng sử dụng ít nhất 3 năm, nhiều nhất 16 năm, nhiều người đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, doanh nhân, trưởng thôn, công an viên cấp xã, cán bộ tư pháp, đảng viên…

Sẽ là quá sớm nếu đánh giá sự thành công khi phần lớn mới cắt cơn hoặc ở CSCN 1-2 năm, vì cũng như cai  nghiện heroin, đó là quá trình lâu dài nhưng những kết quả bước đầu ấy là một thành tựu để tự tin cai nghiện ATS.

Bào chế thuốc nam để hỗ trợ cai nghiện ATS

Nghiện ATS - lệ thuộc về thể chất và tâm lý nhưng vẫn có thể cai được

“Mọi rối loạn do sử dụng ma túy đều có thể điều trị được” (thông điệp của Liên Hợp Quốc). Vậy bản chất nghiện nhóm ATS giống và khác gì nhóm Opiat.

Ma túy nhóm Opiat (thuốc phiện, morphine, dolargan, heroin, methadone…) và ma túy nhóm ATS giống nhau ở chỗ đều tác động lên não, ức chế gây tăng giải phóng các chất dẫn truyền như dopamine, serotonin tạo ra trạng thái êm ái, dễ chịu, giảm đau, khoan khoái (opiat) hoặc kích thích thần kinh (ATS). Cả 2 nhóm đều dẫn đến lệ thuộc về cả tâm lý và thể chất.

Cụ thể, nhóm opiat, trong đó, heroin là mạnh nhất và được sử dụng nhiều nhất. Các chất này khi vào cơ thể theo các đường khác nhau (tiêm, hít, uống) đều chuyển hóa thành morphin. Morphin sẽ tác động lên các thụ cảm thể morphin trên não, gây ra khoái cảm cho người dùng. Các khoái cảm này rất mạnh mẽ khiến cho họ luôn nhớ và thèm chúng, tìm cách sử dụng lại để có lại cảm giác khoái cảm đó. Cường độ khoái cảm cũng khác nhau tùy thuộc loại ma túy sử dụng.

Nhóm ATS kích thích mạnh mẽ lên thần kinh trung ương. Chỉ sau vài phút đến vài chục phút sử dụng (tùy đường tiêm, đường uống hay đường hít) bệnh nhân sẽ có hội chứng hưng cảm vô cùng mạnh mẽ, hưng phấn cảm xúc, hưng phấn tư duy, hưng phấn vận động, giảm nhu cầu ngủ… ATS có nhiều loại, từ rối loạn tâm thần ít như hồng phiến, đến gây rối loạn nặng như “đá” (METH), thuốc “lắc” (MDMA), thời gian tác động của mỗi loại, lâu hay mau, cường độ kích thích, cách sử dụng, đơn chất hay kết hợp nhiều chất.

Ngoài tác động não gây rối loạn - loạn thần cấp (ngáo), ATS gây rối loạn cảm xúc lưỡng cực với các hội chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, có thể có hành vi tự sát. ATS là chất tác động tâm thần điển hình, cũng gây nghiện, cũng có hội chứng cai nhưng so với nhóm Opiat khác nhau ở triệu chứng lâm sàng nổi trội về triệu chứng thần kinh hay nổi trội về triệu chứng tâm thần.

Về thể chất, ATS lúc đầu gây giảm cảm giác thèm ăn, khô miệng, đau đầu, buồn nôn, tăng huyết áp, nhịp tim; sử dụng ATS lâu dài dẫn đến suy kiệt cơ thể, khó thở, mất ngủ, bệnh tật, động kinh hoặc đột quỵ…

Tóm lại, cả 2 nhóm đếu có trạng thái phụ thuộc chất gây nghiện cả về tâm lý và thể chất. Điểm khác biệt thì ít, điểm giống nhau thì nhiều như đã phân tích… Theo LHQ, nghiện ma túy là bệnh nhiễm độc, rối loạn hoạt động não bộ, tâm lý, hành vi nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn và phòng tránh được.

Từ ngàn xưa, các chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên như cần sa, cây dầu gai, cocain cũng tác động kích thích lên não tương tự như ATS. Chỉ có điều, ATS ngày càng  đa dạng chủng loại, tác động lên não mãnh liệt gấp nhiều lần, tính chất độc hại ngày càng nghiêm trọng do được pha trộn phức hợp nhiều loại hóa chất, tiền chất.

Các nước trên thế giới điều trị ATS như thế nào

Thế giới không hề bó tay với ATS và đã có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Điểm chung của các phương pháp là thực hiện một hệ thống liệu pháp điều trị toàn diện gồm: Đánh giá ban đầu (về tính chất, mức độ  ảnh hưởng của ma túy, sức khỏe) - Chăm sóc y tế (thuốc chống loạn thần và thuốc chữa bệnh , nâng cao sức khỏe) - Liệu pháp cá nhân (các hoạt động tư vấn tích cực) - Liệu pháp nhóm (sinh hoạt nhóm, tư vấn) - Liệu pháp gia đình (đưa gia đình tham gia vào quá trình điều trị) - Liệu pháp hành vi nhận thức (thay đổi tư duy chủ động đối phó với ma túy, xây dựng kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề,tạo mối quan hệ tốt với những người xung quanh…) - Phỏng vấn tạo động lực - Chăm sóc sau cai - Phòng chống tái nghiện…

Về mô hình: kết hợp giữa điều trị nội trú và điều trị ngoại trú, "Nhà nửa chừng" với thời gian ngắn-dài khác nhau tùy từng trường hợp.

Để điều trị cai nghiện ATS, các nước đã huy động hệ thống các bác sỹ tâm thần, nhà tâm lý học, gia đình, các nhóm hỗ trợ cộng đồng, các phòng khám, cơ sở y tế, tôn giáo, cơ sở xã hội… tham gia.

Một trong những mô hình điều trị ATS được nhiều nước áp dụng là Matrix, được Trung tâm nghiên cứu Matrix, Hoa Kỳ đề ra. Mục tiêu của mô hình là giúp người nghiện ngừng sử dụng ma túy và gắn bó với quá trình điều trị; hiểu những vấn đề cốt lõi liên quan đến cơ chế nghiện và nguy cơ tái nghiện; tiếp nhận những hướng dẫn, hỗ trợ từ nhân viên điều trị; giáo dục tâm lý cho các thành viên trong gia đình; làm quen với các chương trình "bạn giúp bạn"… Matrix có một số dạng chương trình điều trị ngoại trú như Chương trình điều trị tích cực cho các bệnh nhân ngoại trú (kéo dài 4 tháng); Chương trình điều trị tích cực cho từng cá nhân (6 tháng);Chương trình can thiệp sớm (4 tuần).

Mô hình Matrix được Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy của Hoa Kỳ (NIDA) giới thiệu như một phương pháp điều trị và đã được khoa học chứng minh là một phương pháp điều trị có hiệu quả và có bổ sung chương trình phòng ngừa tái nghiện. Nhiều CSCN Việt Nam cũng đã áp dụng một phần Matrix.

Tại Thái Lan, những năm gần đây, khi nghiện ATS chiếm gần 90% tổng số người nghiện, Chính phủ đã áp dụng mô hình Matrix một cách mạnh mẽ, đồng thời, đã xây dựng thực hiện nhiều mô hình khác như Jirasa (phục hồi tâm lý phù hợp với đặc điểm văn hóa Thái Lan kết hợp giáo lý Đạo Phật); mô hình FAST (gồm 4 thành tố chính: Gia đình - Hoạt động điều trị - Tự giúp đỡ - Cộng đồng trị liệu) - TC (Cộng đồng trị liệu), tạo môi trường thân thiện giữa gia đình người nghiện, bạn bè giúp đỡ động viên nhau.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thăm lớp học nghề tại Cơ sở cai nghiện Gia Minh, Hải Phòng năm 2012

Những cái thiếu” cho cai nghiện ATS ở Việt Nam

Từ tình hình cai nghiện ATS của Việt Nam và thế giới, có thể nhìn nhận một số cái “thiếu” của ta như sau:

Cai nghiện ATS cũng như các loại ma túy khác, mỗi loại đều có khó khăn khác nhau nhưng ATS không phải là "con ngáo ộp" khiến ai đã mắc vào là "vô phương cứu chữa", nhận thức như vậy là vừa thiếu cơ sở khoa học, chuyên môn, vừa thiếu tính thực tiễn, gây mất lòng tin cho người cai nghiện và cán bộ làm công tác cai nghiện, ảnh hưởng và để lại những hệ lụy không tốt cho công tác cai nghiện. Đó là cái “thiếu” thứ nhất. Việt Nam hoàn toàn có thể cai nghiện ATS bằng cách làm sáng tạo của mình với sự tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế.

Phục hồi là một quá trình suốt đời mà không có kết thúc cả khi đã hoàn thành một chương trình điều trị. Điều trị loạn thần, cắt cơn giải độc, thời gian 1-2 năm ở CSCN và trải qua nhiều liệu pháp cai nghiện cũng mới chỉ là một giai đoạn. Từ nhận thức này, qua mấy chục năm, nhiều lãnh đạo, quản lý vẫn lơ mơ, cho rằng: cai một, hai lần là phải “khỏi” vĩnh viễn, rồi có những chỉ đạo không “chuyên môn”. Đó là cái “thiếu” thứ hai.

Với người cai nghiện ATS, thời gian sau cai nghiện trở về cộng đồng (tương đương với giai đoạn “chăm sóc sau cai” hoặc "điều trị sau điều trị" ở các nước) càng rất cần những giải pháp tiếp tục được thực hiện căn cơ (không hình thức, qua loa cho có như phần lớn địa phương hiện nay) như được sống trong môi trường không ma túy, cộng đồng không kỳ thị, gia đình yêu thương, được sinh hoạt trong các câu lạc bộ, tổ nhóm tự lực, đồng đẳng; cán bộ đoàn thể xã hội, tình nguyện viên có “nghề” về công tác xã hội, có hiểu biết về cai nghiện, khích lệ sự quyết tâm của người nghiện, kèm cặp, tư vấn, hỗ trợ sinh kế… Các phương pháp cai nghiện của thế giới cũng hết sức quan tâm đến các liệu pháp tâm lý-xã hội này. Đấy chính là "cái nôi" giúp họ phục hồi. Đó là cái “thiếu” thứ ba.

Hai nhiệm vụ cần phải triển khai sớm và bài bản theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là chương trình dự phòng nghiện và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cai nghiện. Một chương trình dự phòng nghiện tốt, tổng thể sẽ giúp nhiều thanh thiếu niên không sa vào nghiện ATS, đồng thời, can thiệp sớm sẽ giúp nhiều người sớm "thoát nghiện", giảm thiểu tình trạng nghiện quá lâu, sử dụng quá nhiều loại ma túy, nghiện nặng ATS rồi mới được cai, sẽ muôn vàn khó khăn. Về nâng cao chất lượng cai nghiện cần ra sức đào tạo, huấn luyện, chia sẻ những kiến thức mới về cai nghiện ATS cũng như quan tâm sâu sắc đến chính sách, giải pháp, mô hình, kỹ năng tâm lý-xã hội trong cai nghiện cho hệ thống cán bộ CSCN và cộng đồng, cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trên xuống dưới. Nếu không, dù số lượng mỗi năm cai cho hàng chục nghìn lượt người cũng không có ý nghĩa. Đó là cái “thiếu” thứ tư, thứ năm.

Phác đồ cai nghiện ATS là cần thiết nhưng cần chủ động với những kiến thức, phác đồ của Việt Nam và thế giới đã có, không nên quá trông chờ phác đồ điều trị ATS, sẽ rất khó có phác đồ cho hàng trăm loại ATS khác nhau.

Tháng 3/2016, trước xu hướng sử dụng các loại ma túy mới tăng lên (đặc biệt ATS), trên cơ sở tiến bộ khoa học, đúc kết kinh nghiệm và trước yêu cầu từ thực tiễn các nước, LHQ thông qua tài liệu Chuẩn quốc tế về điều trị rối loạn sử dụng ma túy  gồm 7 Nguyên tắc chung nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên thiết lập và mở rộng các dịch vụ điều trị hiệu quả và nhân đạo. Đây có thể coi là tài liệu gốc cho điều trị mọi loại ma túy, đặc biệt là ATS, rất cần được nghiên cứu thấu đáo để áp dụng, vận dụng ở nước ta./.

Lê Hiền