Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - Hành động ngay hôm nay Ngày đăng: 24/05/2018
Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm.

Luật Trẻ em 2016 đã  tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em dành một chương riêng (Chương IV) về bảo vệ trẻ em quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em; cấp độ bảo vệ trẻ em và trách nhiệm thực hiện; việc thành lập và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em. Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định dâm ô với người dưới 16 tuổi.  

Tuy nhiên, các quyền của trẻ em vẫn chưa thực sự được đảm bảo khi mà tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng về tính chất và chưa có xu hướng giảm về số lượng vụ việc. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1.544 vụ vào năm 2014. Như vậy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này khá tương đồng với số liệu Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội công bố tại Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội năm 2016: mỗi năm, ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Mới nhất là vụ thầy giáo tại Trường tiểu học xã An Thượng A, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội xâm hại 9 học sinh tiểu học đang gây xôn xao dư luận về mức độ xâm hại tình dục trẻ em.

Trên thực tế, số lượng trẻ bị xâm hại tình dục chưa phản ánh đúng sự thật. Không hẳn là do thống kê không chính xác hoặc chưa đầy đủ, lý do còn nằm trong nền văn hoá và nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đối với con trẻ. Theo TS. Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nếu hiểu xâm hại tình dục theo đúng chuẩn khái niệm quốc tế xâm hại tình dục là tất cả hành vi dụ dỗ, lôi kéo, xúi bẩy trẻ em thực hiện hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi các em thì số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều.

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ và gia đình trẻ. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Cảm giác ám ảnh, thậm chí với suy nghĩ việc bị xâm hại là do lỗi của chính bản thân mình sẽ khiến các em cảm thấy bế tắc và đi đến các quyết định đau lòng. Qua phân tích nhiều vụ việc, trẻ bị xâm hại tình dục vì nhiều lý do có thể tiếp tục bị xâm hại trong nhiều năm tháng sau tiếp đó.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em nhưng một trong những lý do mấu chốt là do sự lỏng lẻo và những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, gây bất cập trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này. Chế tài xử phạt tuy có nhưng “nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý”. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải”.

Theo các chuyên gia của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm gây thêm tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình. Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý bạo lực và lạm dụng tình dục lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình. Đó là những rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua.

 Cùng nhận định này, tại Diễn đàn về phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối với với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Mạng Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức), các chuyên gia khẳng định chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng cho rằng: “Trong nhận thức của xã hội nói chung, bạo lực và lạm dụng tình dục là vấn đề của cá nhân và chủ yếu là của những cá nhân không tuân thủ các chuẩn mực giới truyền thống hoặc không được dạy dỗ để tuân thủ các chuẩn mực đó. Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó. Những giá trị cổ hủ, những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này và là những rào cản văn hoá khiến cho bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gia tăng trong thời gian qua”.

Trước thực trạng này, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm. Các giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em nằm trong tổng thể các hoạt động cần sự phối kết hợp và triển khai đồng bộ. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ hoàn chỉnh trên cơ sở tăng cường chính sách và thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em gặp nhiều khó khăn tại cộng đồng nhằm hạn chế trẻ có nguy cơ bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại trẻ em; Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát, đánh giá công tác bảo vệ trẻ em; Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.

Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cần sớm đưa nội dung giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi vào chương trình học để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống xấu nhất; ngành Y tế phải có các dịch vụ y tế, tâm lý hỗ trợ cho những trẻ em bị xâm hại tình dục; ngành Công an phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án mà trẻ em bị xâm hại tình dục để các vụ án trên được triển khai nhanh, kịp thời nhằm tìm ra thủ phạm, đảm bảo tư pháp thân thiện với trẻ em...

Trong thực tế, có một số quy tắc phụ huynh nên dạy cho con của mình để có thể tránh xa đối tượng nguy hiểm, kể cả những người thân quen vì hầu hết các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, tội phạm lại xuất phát từ những đối tượng mà trẻ gần gũi như người giữ trẻ, người thân, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ... Do đó,  trước hết cần hỗ trợ trẻ những kỹ năng phòng, tránh xâm hại tình dục, cần sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy cơ/bất thường và cách xử lý; Dạy cho trẻ rằng, nếu có ai tìm cách đụng chạm vào những nơi nhạy cảm của trẻ, trẻ phải tỏ ra phản đối một cách quyết liệt, bỏ đi ngay và giữ nguyên tắc “không bí mật” với cha mẹ, cần phải chia sẻ những việc gì khiến trẻ không thoải mái, khó chịu với cha mẹ; Luôn nhắc trẻ, trong mọi trường hợp xấu nhất, an toàn của con là quan trọng, con phải biết tìm người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm bằng cách nhớ số điện thoại của bố mẹ, những người thân tin cậy hoặc số điện thoại của các đường dây nóng./.

 Đăng Doanh

Tạp chí Lao động và Xã hội