Khắc phục khó khăn, triển khai nhân rộng các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội có hiệu quả Ngày đăng: 23/05/2018
Trong hai ngày 21 và 22⁄5⁄2018, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức “Hội nghị nhân rộng các mô hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn khu vực phía Bắc”. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tới dự và phát biểu chỉ đạo. BBT lược ghi ý kiến phát biểu của Thứ trưởng.

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Điều này đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy và tệ nạn mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, khó kiểm soát hơn.

Trước tình hình như trên, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội nghị nhân rộng các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội ở 3 khu vực (phía nam tổ chức tại T.p Hồ Chí Minh; miền Trung – Tây nguyên tổ chức tại Đắk Lắk và khu vực phía Bắc tổ chức tại Quảng Ninh). Việc tổ chức các Hội nghị trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đang xây dựng đề án tổng thể triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 và đón nhận tinh thần của Hội nghị Trung ương 7 với hai Đề án về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.

Qua nắm bắt tình hình và báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn khó khăn do nhiều nguyên nhân như: chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương; một số văn bản đã ban hành đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất; nguồn kinh phí dành cho lĩnh vực này còn hạn chế dẫn đến việc triển khai chưa quyết liệt, chưa liên tục và thiếu hiệu quả trong thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao đổi với đại biểu bên lề Hội nghị

Vì vậy, cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện trong quý I/2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng cuối năm, Hội nghị sẽ tập trung bàn sâu 3 nội dung: (i) Đề nghị các địa phương, cơ sở nêu rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để tập trung nguồn lực, tìm giải pháp phù hợp trong tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra; (ii) Đối với các mô hình thí điểm và khung định mức kinh tế - kỹ thuật về các mô hình cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được giới thiệu tại Hội nghị, các đại biểu sẽ lựa chọn, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mình; (iii) Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm của Cơ sở cai nghiện. Sau Hội nghị này, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, tổng hợp gửi văn bản cho Bộ, bảo đảm khi ban hành văn bản không bị chồng chéo, lạc hậu, gây khó khăn cho địa phương, cơ sở trong quá trình thực hiện.

Để Hội nghị đạt kết quả, trong quá trình thảo luận, đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ và tìm câu trả lời cho một số vấn đề sau:

- Đánh giá thực chất những kết quả đã làm được, những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và những giải pháp triển khai của từng địa phương. Qua thực tiễn triển khai các mô hình, kinh nghiệm của địa phương đã làm, cần đề xuất các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả Đề án này.

- Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, trong điều kiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm chưa được sửa đổi, bổ sung, cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm phù hợp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay để triển khai tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp triển khai nhiệm vụ trước mắt và tham gia ý kiến về các nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

- Trong 3 năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều văn bản quan trọng liên quan tới lĩnh vực ngành như: Chỉ thị 25/CT-TTg; Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020... Đây là cơ hội tốt để tổ chức tham mưu, triển khai ở địa phương, song đó cũng đặt ra những thức thách lớn, vì vậy, các đại biểu chia sẻ đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền những vấn đề gì? Chương trình thực hiện cụ thể hóa thế nào? Nguồn lực thực hiện đến đâu? Thời gian tới cần đề xuất, tham mưu cho Bộ phải làm gì để đạt mục tiêu các chương trình của Chính phủ đã ban hành đến năm 2020?

Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi cách làm hay, kinh nghiệm tốt của mình để các tỉnh bạn có thể học tập tại Hội nghị và tổ chức tham quan, trao đổi, bổ sung giải pháp thực hiện nhằm đem lại hiệu quả thiết thực cho công việc của địa phương, cùng nhau làm tốt nhiệm vụ cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn mỗi địa phương, đơn vị, góp phần vào thành tích chung của cả nước./.

(Ngọc Cương ghi)