Những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy gây khó khăn trong triển khai thực hiện tại cơ sở Ngày đăng: 06/05/2018
Trong 2 ngày 4,5⁄5⁄2018, tại TPHCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị nhân rộng các mô hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội khu vực phía Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị do đồng chí Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH trình bày cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, ngoài các công việc thường xuyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Cục PCTNXH phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Dự thảo: hồ sơ Dự án Luật phòng, chống mại dâm; Nghị định về cai nghiện tự nguyện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định nội dung đánh giá, xếp loại xã, phường, thị trấn về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Quyết định của Bộ trưởng về khung danh mục thiết bị tại Cơ sở cai nghiện; Thông tư thay thế Thông tư 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 08/10/2008 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục- Lao động xã hội. Đồng thời, xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; các báo cáo phục vụ Bộ trưởng trong các phiên họp Chính phủ, Quốc hội, giao ban ngành… Hoàn thiện Bộ tài liệu tư vấn, điều nghị nghiện ma túy theo Thông tư 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016 về chương trình khung đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma túy.

Tại địa phương, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; đấu tranh triệt phá, truy tố, xét xử; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm.

Về công tác phòng, chống mại dâm, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, những tháng đầu năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Hiện có 37 địa phương đã triển khai xây dựng thí điểm và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm đã triển khai từ các năm trước; 05 địa phương đã triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 15 địa phương thực hiện mô hình đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 07 địa phương đã triển khai mô hình tăng cường năng lực của nhóm các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Đồng chí Lê Đức Hiền- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội báo cáo tại Hội nghị

Về công tác cai nghiện ma túy, đến nay, tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 33.871 học viên. Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng số người được tư vấn, tiếp nhận, điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 1.345 học viện (Trong đó: cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án 479 học viên; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập 220 học viên; cai nghiện tại cơ sở tư nhân 110 học viên; quản lý tại cơ sở xã hội 536 học viên). Đến nay, có 26 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người cai nghiện là 4.630 người. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay có 52.996 người được điều trị Methadone (ngành LĐTBXH điều trị cho 2.986 người).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy trên địa bàn cả nước vẫn còn một số khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở. Đó là: quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa đến được với nhóm đối tượng đích, đối tượng có nguy cơ cao; một số quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới; các quy định giữa Luật Phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành không thống nhất, dẫn đến vẫn lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đã làm được, những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Từ đó, đưa ra những giải pháp tháo gỡ, những hướng đi hợp lý để khắc phục khó khăn trước mắt và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong công tác cai nghiện ma túy; quy hoạch chuyển đổi Cơ sở cai nghiện; thực hiện thí điểm mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; điều trị thay thế bằng methadone; hỗ trợ giúp đỡ người sau cai nghiện, người bán dâm, người điều trị methadone vay vốn, hòa nhập cộng đồng; hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Đồng thời, đưa ra một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai trong thực tiễn. Cụ thể là: việc xử lý các trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mà chưa được thi hành, đang thi hành hoặc trốn thi hành; vấn đề quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục xem xét, đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chưa có phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp; tệ nạn mại dâm có nhiều biến tướng mà chưa có chế tài xử lý; đối với các mô hình thí điểm được hỗ trợ kinh phí của Dự án hoặc Trung ương, khi hết thời gian thí điểm, muốn đề xuất kinh phí địa phương thì thiếu cơ sở pháp lý...

Chia sẻ với địa phương về những khó khăn, vướng mắc mà một số tỉnh, thành phố đang gặp trong thực tế, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập cho biết: một số vướng mắc của địa phương là do những bất cập quy định trong Luật phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đó, cần phải sửa Luật. Trong thời gian chờ đợi sửa Luật, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 77/2014/QH13, Nghị quyết số 98/2015/QH13. Theo đó, đối với việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục xem xét, đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về việc xử lý các trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mà chưa được thi hành, đang thi hành hoặc trốn thi hành, Bộ cũng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị trả lời địa phương và đề xuất phương án xử lý khi sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các kiến nghị về chính sách cụ thể, trong phạm vi thẩm quyền của Bộ, Cục sẽ tiếp thu và bổ sung vào các văn bản đang xây dựng. Đồng thời, tham mưu trình Bộ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu tổ chức bộ máy cán bộ của các Cơ sở cai nghiện ma túy; Quyết định về khung định mức kinh tế- kỹ thuật các mô hình trong cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện ở địa phương; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về...

Cục trưởng cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trong tháng 5/2018 rà soát, thống kê và báo cáo cho Cục về số liệu người bán dâm, người nghiện ma túy (tổng số người nghiện, số người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, số người ngoài cộng đồng; tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp...). Lập kế hoạch đào tạo, tập huấn theo Bộ tài liệu đào tạo tư vấn về điều trị nghiện ma túy nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng./.

T.T