BẢO VỆ THẾ HỆ TRẺ TRƯỚC TÁC HẠI CỦA MA TÚY Ngày đăng: 03/05/2018
Để hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc: “Thế giới không còn ma túy”, thì nhiệm vụ trước mắt là kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy. Hầu hết các nước trên thế giới đều coi công tác phòng ngừa ma túy là giải pháp mang tính then chốt. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là việc phòng ngừa ma túy trong nhà trường có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ học sinh, sinh viên trước tác hại của tệ nạn ma túy.

Giải pháp then chốt

Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới diễn ra rất phức tạp, tác động mạnh mẽ đến tình hình công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Theo báo cáo của Văn phòng Cơ quan kiểm soát ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tại khu vực “Tam giác Vàng” - trung tâm lớn thứ 2 thế giới về trồng cây thuốc phiện và điều chế bất hợp pháp heroin, sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới, đã phát hiện, thu giữ trên 600 tấn ma túy tổng hợp, chiếm 80% tổng lượng ma túy tổng hợp thu giữ trên toàn cầu. Cùng với việc đương đầu với các loại ma túy đã xuất hiện trước đây như thuốc phiện, heroin, cần sa, các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS, thế giới trong hơn chục năm trở lại đây đang phải đối mặt với làn sóng lan nhanh của các loại chất hướng thần (NPS). Cũng theo báo cáo của UNODC, từ năm 2009 đến nay, bình quân cứ mỗi tuần lại xuất hiện thêm một chất hướng thần mới. Việc phát hiện, ngăn chặn và điều trị những rối loạn tâm lý do lạm dụng các chất này đang là thách thức rất lớn cho cộng đồng quốc tế.

Để hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc: “Thế giới không còn ma túy”, các nước trên thế giới đều nhất trí coi công tác phòng ngừa ma túy là giải pháp mang tính then chốt và dựa trên 4 trụ cột chính, đó là: Phòng ngừa ma túy từ gia đình; phòng ngừa ma túy trong cộng đồng; phòng ngừa ma túy cho công nhân, viên chức, người lao động tại nơi làm việc và phòng ngừa ma túy trong nhà trường. Theo đó, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này đồng nghĩa với việc từng thành viên trong xã hội sẽ được bảo vệ thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi trước sự tấn công của tệ nạn ma túy. Bởi lẽ, việc can thiệp cho nhóm đối tượng này sẽ tác động vào giai đoạn đầu của cả một đời người và có ảnh hưởng lớn đến cả quá trình phát triển sau này của họ. Hơn nữa, với tâm lý đặc trưng của tuổi trẻ: thích khám phá, hiếu động, thiếu kỹ năng phòng vệ, thiếu kinh nghiệm sống, họ thường là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước sự cám dỗ của ma túy.

Ở nước ta, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy cũng không nằm ngoài xu thế của khu vực và đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều yếu tố khó lường. Bên cạnh các yếu tố khách quan như siêu lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy, mặt trái của quá trình hội nhập, sự thiếu đồng bộ trong quá trình đô thị hóa, còn không ít yếu tố chủ quan như việc chậm giải quyết các vướng mắc về pháp luật phòng, chống ma túy, hiệu quả giảm cung, giảm cầu chưa đạt mục tiêu như mong đợi, người nghiện chưa có chiều hướng giảm, v.v..

Trước thực trạng đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội mà trực tiếp là Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) rất chú trọng đến giải pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn này. Thông qua các dự án trong chương trình Hành động phòng, chống ma túy và các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy từ 1988 đến 2015, Chính phủ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho hệ thống nhà trường. Trong đó, chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2015 đã có hàng trăm Câu lạc bộ phòng, chống ma túy ở những khu vực trọng điểm về ma túy được hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị âm thanh, dụng cụ thể thao, tạo được phong trào ở một số địa phương, giúp mọi người tránh xa tệ nạn ma túy.

Sau 20 năm hội nhập quốc tế về phòng, chống ma túy, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều kinh nghiệm quý giá của các nước trong lĩnh vực phòng ngừa ma túy trong trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao trọng trách bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ và chính quyền địa phương nhiều giải pháp về phòng, chống ma túy rất quan trọng. Trước tiên, phải kể đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động ký kết các Kế hoạch liên tịch số 01, 02, 03 và 07 với Bộ Công an, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam và chính quyền địa phương nơi có các cơ sở trường học đóng trên địa bàn. Các bản kế hoạch này đề cập nhiều giải pháp, tập trung tạo môi trường lành mạnh xung quanh nhà trường; tăng cường quản lý sinh viên ngoại trú thông qua việc thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin về phương thức, thủ đọan của tội phạm ma túy, v.v… Các giải pháp nâng cao năng lực tuyên truyền cho đội ngũ thầy cô giáo của hệ thống nhà trường trong cả nước bằng việc tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông và cung cấp thông tin về tác hại của ma túy; xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền phòng, chống ma túy để tuyên truyền và lồng ghép với các chương trình nội ngoại khóa để giảng dạy cho các cấp học, bậc học của cả nước…  Có thể nói, những việc đã làm trong thời gian qua là rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, sự đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy trong trường học còn rất khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Ngổn ngang nhiều khó khăn

Tuy nhiên, chỉ với những nỗ lực như trên là chưa đủ, chưa thể đảm bảo cho khoảng 23 triệu học sinh, sinh viên các cấp ở nước ta đứng trước tệ nạn ma túy hiện nay hoàn toàn có thể “miễn dịch”, khi thủ đoạn lôi kéo của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm ma túy ở chừng mực nào đó đang đi trước các nhà quản lý, các Viện nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên trong việc khai thác tâm lý thích nổi tiếng của giới trẻ, khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong việc quảng bá ma túy. Chúng thừa nham hiểm để lôi kéo các em sử dụng các loại ma túy mới bằng cách những tên gọi mỹ miều, dễ được chấp nhận. Và khi các cơ quan quản lý chưa kịp cảnh báo về tác hại của chúng thì tội phạm ma túy đã nhồi nhét các tư tưởng sai lệch, thuyết phục các em rằng các chất đó không phải là ma túy, không gây nghiện, chỉ là chất tăng lực, v.v..

Tại Hội thảo bàn về công tác phòng, chống ma túy và tội phạm trong nhà trường mới được Vụ Công tác chính trị và quản lý học sinh, sinh viên – Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Hải Phòng và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 vừa qua, với sự tham gia của 63 sở Giáo dục và Đào tạo cùng một số trường đại học cho thấy còn rât nhiều vấn đề phải làm trong giai đoạn tới nếu như thực sự muốn chặn đứng sự xâm nhập của tệ nạn ma túy vào trường học. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ nhiều trăn trở về việc, nếu không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ như giai đoạn 2011-2015, không ít thành quả trước đây về phòng, chống ma túy gây dựng trong giai đoạn trước khó có thể giữ vững. Bởi lẽ, với lộ trình tự chủ về ngân sách rất khó có thể cân đối từ nguồn học phí để chi cho các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy như trước đây. Việc quản lý sinh viên trong các trường đại học hiện rất khó khăn khi hệ thống đào tạo theo tín chỉ gần như làm mất hiệu lực quản lý sinh viên của Ban quản lý lớp. Điều mà trước đây không phải là vấn đề do mọi học sinh có thời gian học tập, sinh hoạt gần như liên tục với nhau. Rồi có nên coi việc tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy của các em sinh viên như một loại tín chỉ để xét kết quả học tập hay không? Hoặc lồng ghép nội dung phòng ngừa ma túy thế nào trong xu thế giảm tải chung của các trường?

Việc thực hiện các Kế hoạch phối hợp liên tịch về phòng, chống ma túy do thiếu kiểm tra, đôn đốc hoặc không được sơ kết, tổng kết nên khó có thể nói chúng có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả như ban đầu đề ra. Điều dễ thấy là đến nay không ai biết chính xác có bao nhiêu học sinh, sinh viên mắc nghiện ở nước ta. Bao nhiêu em mắc nghiện đã cai nghiện thành công để quay lại giảng đường...

Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền cũng là vấn đề mà nhiều thầy cô giáo còn băn khoăn vì nếu địa phương nào thực sự cố gắng và có điều kiện thì việc tuyên truyền cũng chưa thể bao quát toàn bộ đối tượng học sinh, sinh viên. Công việc này thường mới dừng ở mức “xuân, thu nhị kỳ”.  Hiện chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để xem việc tuyên truyền như vậy có phù hợp với tâm lý của các em hay không? Các em thích gì, nghĩ gì? Hơn nữa, việc cung cấp thông tin dù có tốt mấy cũng chắc chắn cũng là chưa đủ bởi lẽ như một chuyên gia về lĩnh vực phòng ngừa ma túy đã phát biểu đâu đó trên diễn đàn quốc tế “một khoảng cách rất lớn từ nhận thức đến thay đổi hành vi” và “phòng ngừa ma túy phải được tiến hành liên tục từ lúc lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay”. Vấn đề cơ bản nhất là kỹ năng phòng tránh, phương pháp đánh giá tình huống, xử lý tình huống… là những biện pháp hữu ích trong phòng ngừa xong còn đang bị xem nhẹ.

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy, trước hết, công tác phòng, chống ma túy cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư từ cấp trung ương đến chính quyền địa phương. Tiếp tục có các đề án, dự án phòng, chống ma túy cho giai đoạn từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo như đã từng có trong các giai đoạn trước đây. Quan trọng nhất, để khắc phục sự manh mún như hiện nay, không thể thiếu một chiến lược phòng ngừa tổng thể, dài hơi với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, Viện nghiên cứu tâm lý thanh niên, Viện nghiên cứu giáo dục để có những can thiệp tổng thể hơn về vấn đề này. Điều mà nhiều nước xung quanh chúng ta đã làm từ lâu./.

Tạ Đức Ninh

Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công An