Hội thảo triển khai Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Ngày đăng: 26/04/2018
Ngày 26⁄4⁄2018, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức Hội thảo triển khai Đề án phối hợp truyền thông phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020. Dự và chỉ đạo hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng, đồng chí Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH; đại diện Vụ Khoa giáo- Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Cục Tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an), Cục Phòng, chống HIV⁄AIDS (Bộ Y tế), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và đại diện một số đơn vị trong Bộ, lãnh đạo, chuyên viên các phòng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập cho biết, ngày 30/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2140/QĐ- TTg phê duyệt Đề án "Phối hợp truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020". Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên sóng truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử và các ấn phẩm khác của ba cơ quan truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong công tác này. Cục trưởng đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp, cách thức thực hiện để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất, để thực hiện Đề án có hiệu quả, các cơ quan thường trực và các cơ quan truyền thông cần phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Đề án của đơn vị mình; ba cơ quan truyền thông rà soát các chương trình, phương tiện, các ấn phẩm truyền thông, xây dựng kế hoạch tăng thời lượng, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông để đạt mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; phân công phóng viên, biên tập viên và cán bộ đầu mối thực hiện công tác truyền thông và tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, đi thực tế địa phương; chỉ đạo cơ quan chuyên trách tại các tỉnh, thành phố phối hợp và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Các cơ quan thường trực cũng như các cơ quan truyền thông cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử./.

TM