Hà Giang: Sơ kết chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016 - 2018 Ngày đăng: 20/04/2018
Ngày 19⁄4⁄2018, tại thành phố Hà Giang, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người (Chương trình 130⁄CP) giai đoạn 2016 – 2018. Dự Hội nghị có đại diện Cục Tham mưu Cảnh sát, Cục Cảnh sát Hình sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng); Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ) và đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo một số huyện, thành phố tham dự. Đồng chí Đại tá Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Cảnh sát và đồng chí Đại tá Đỗ tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng. Với đặc điểm địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, công tác tuyên truyền đã chú ý đến việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, tờ rơi, tờ gấp có tiếng dân tộc bên cạnh tiếng phổ thông, quốc ngữ. Mời những người từng là nạn nhân bị mua bán tham gia chia sẻ, tuyên truyền, giúp cho hiệu quả của việc làm này được nâng cao. Ngoài ra, hình thức tuyên truyền đa dạng với nhiều kênh khác nhau: trên phương tiện thông tin đại chúng như loa, đài; sân khóa hóa; trong các buổi tập huấn; tại trường học, tại các buổi chợ phiên…, đặc biệt là tuyên truyền tại các xã, bản dọc biên giới. Các đường dây nóng  được công khai, phổ biến đến từng người dân: 18001567, 111, 1900969680. Kết quả trong 2 năm đã tuyên truyền 1.333 buổi/ 69.000 lượt người tham gia, đăng 409 tin, bài, ảnh, phóng sự.

Cũng theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát hiện 34 vụ / 54 đối tượng có hành vi, nghi có hành vi mua bán người, mua bán chiếm đoạt trẻ em với 54 nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán. Phần lớn các vụ án xảy ra đều có yếu tố nước ngoài. Phối hợp trao trả và giải cứu được 1.552 trường hợp. Tổ chức 126 cuộc giao ban, hội đàm, trao đổi 720 Hàm thư với lực lượng chức năng Trung Quốc, trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người. Số nạn nhân do Công an Trung quốc trao trả, giải cứu qua các vụ án, chuyên án là 39 nạn nhân bị mua bán, nghị bị mua bán (trong đó có 07 trẻ em). Các nạn nhân bị mua bán trở về được khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và bàn giao cho gia đình, chính quyền địa phương.

Giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, thành viên thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 08/3/2016 của BCĐ tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020; tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp hạn chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, làm giảm nguy cơ bị mua bán, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em. Chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Đỗ Đức Bình đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống mua bán người Ban chỉ đạo tỉnh Hà Giang đã đạt được và đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh: tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tuyên truyền bằng tiếng địa phương để nhân dân cảnh giác với tội phạm mua bán người; quản lý tốt lao động thời vụ, xuất nhập cảnh; lồng ghép phát triển kinh tế địa phương với công tác phòng, chống mua bán người; nhân rộng các mô hình hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong việc thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Tại Hội nghị, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 4 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 4 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua, bán người giai đoạn 2016 - 2018./.

HH