Đường về nhà của người phụ nữ từng vùi thanh xuân trong ma túy Ngày đăng: 16/03/2018
Nhan sắc mặn mà và phong cách tự tin, ít ai ngờ chị Phạm Thị Minh từng là “nô lệ” của ma túy trong suốt 10 năm trời. Nếu không nhờ tình yêu thương của người mẹ, chị Minh đã khó lòng thoát khỏi lưỡi hái của thần chết… Bỏ lại quá khứ, chị Minh hiện tại đang tích cực giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng.

Thời tuổi trẻ bị ma túy dẫn đường

Đã từ lâu chị Phạm Thị Minh (SN 1977, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không còn thấy xấu hổ về quãng đời lầm lỡ của mình, vì thế với bất kỳ ai chị cũng chẳng hề né tránh hay giấu giếm chuyện quá khứ. Khi đã nếm trải quá nhiều cay đắng, tủi nhục chị hiểu rằng dù chối bỏ hay không thừa nhận thì nó đã gắn với cả thời thanh xuân của mình, chỉ có lạc quan đối diện với nó mới có thể sống vui và hạnh phúc được.

Chị Minh kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm khi chị mới 9 tháng tuổi. Mẹ chị một nách 5 người con, làm đủ thứ nghề để lo ăn từng bữa. Thế rồi anh chị trong nhà cũng lớn khôn, lập gia đình, còn chị ở nhà phụ mẹ chợ búa, hàng họ. Ăn không đủ, học đến cấp hai chị buộc phải bỏ giữa chừng. Vừa bước sang tuổi 18, cái tuổi ham chơi, nông nổi chị đã đi theo đám bạn đến vũ trường, quán bar rồi sau một cái tặc lưỡi, cô gái ấy lần đầu chạm vào ma túy. Một lần, hai lần, chị đã bập vào và không thể thoát ra được cái thứ chết người đó.

Bị bắt quả tang trong một lần bán lẻ thuốc cho khách ở Giáp Bát, chị Minh lĩnh bản án 42 tháng tù giam. Ra tù, chị lại vội bập ngay vào ma túy. Hơn 6 tháng sau, chị bị đưa đi cai nghiện bắt buộc.

May mắn, các anh chị em trong gia đình, đặc biệt là mẹ vẫn luôn ở bên, động viên chị. Chị còn nhớ như in câu nói của mẹ: “Đã trót nghiện rồi thì phải cố gắng mà bỏ. Người chơi cờ bạc có lúc thắng lúc thua. Nhưng nếu cứ theo ma túy, sẽ thua cuộc cả đời…”. Câu nói ấy khiến chị Minh trăn trở: Chẳng có lẽ cả đời mình là kẻ thua cuộc? Vậy là từ đó, chị quyết tâm từ bỏ cái chết trắng cho dù phải đau đớn vật vã thế nào.

Bập vào ma túy dễ bao nhiêu thì thoát khỏi nó lại khó khăn bấy nhiêu. Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, những lúc khó khăn nhất, vật vã nhất mẹ chị luôn luôn ở bên. Bà đã đồng hành cùng con gái trong suốt quá trình đi tìm “đường về nhà”. Người mẹ nấu những món ăn con thích nhất, sẵn sàng ở bên động viên an ủi dù ngày hay đêm. Nhìn khuôn mặt mẹ ngày một nhiều nếp nhăn vất vả chăm sóc mình, nhiều lần chị Minh không cầm được nước mắt. Chị đã tự nhủ rằng sẽ phải cai nghiện thành công, phải chiến thắng cái chết trắng để mẹ đỡ buồn và thất vọng.

Chị Minh đã đi cai nghiện, chấp hành mọi nội quy nghiêm ngặt của trung tâm. Tại đây, chị đã được một nhân viên tiếp cận cộng đồng chia sẻ về các nhóm tự lực của phụ nữ trở về từ các trung tâm cai nghiện. Chị bảo: “Ngoài mẹ là người luôn quan tâm, chia sẻ với mình thì lần nói chuyện với nhân viên ấy mình cảm thấy rất vui. Đó là lần mình được cởi lòng, trút bỏ được những tâm tư, chia sẻ mọi thứ. Chính từ lần nói chuyện này, mình đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời”.

Năm 2008, chị Minh ra khỏi trung tâm cai nghiện và xin tham gia vào nhóm “Hoa xương rồng”, một nhóm tự lực dành cho những phụ nữ sau cai thuộc Chi hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, chị Minh đã được tận mắt chứng kiến nhiều người từng nghiện lâu năm, nay đoạn tuyệt hẳn với ma túy và có cuộc sống ổn định. Nhờ đó, chị có thêm nhiều động lực để phấn đấu.

Nguyện giúp đỡ người nghiện “về nhà”

Với lòng nhiệt tình sẵn có và khả năng giao tiếp tự tin, chẳng bao lâu chị Minh trở thành thành viên nòng cốt của nhóm “Hoa xương rồng”. Một thời gian sau, chị được bầu là trưởng nhóm. Nhờ sự hoạt động tích cực không ngừng, nhóm “Hoa xương rồng” của chị đã gây được sự chú ý trong cộng đồng. Đó cũng là lý do chị có tên trong danh sách ban điều hành của một diễn đàn dân sự hợp tác phòng chống AIDS. Tại đây, chị Minh được đào tạo những kiến thức về kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng hình thành nhóm, được hỗ trợ về tài chính cùng các kỹ thuật.

Buổi ra mắt mạng lưới người sử dụng ma túy

“Sau khi tham gia diễn đàn ấy, tôi thấy mình đã được trang bị rất nhiều kiến thức, ngọn lửa nhiệt huyết thì ngùn ngụt cháy nên tôi rất muốn làm được nhiều việc thiết thực để giúp những người đồng cảnh ngộ. Tôi hiểu hơn ai hết những người như chúng tôi dù đã và đang lầm đường lạc lối nhưng lòng lúc nào cũng hướng về nhà. Bởi gia đình luôn là nơi thiêng liêng mà ai cũng muốn quay về” – chị Minh tâm sự. Chính vì hiểu được tâm tư ấy nên chị Minh cùng với một số thành viên nòng cốt của nhóm “Hoa xương rồng” thành lập liên minh lấy tên là “Liên minh CLB Về nhà”. Liên minh này là sự kết hợp của ba nhóm: Nhóm Nơi bình yên (là nhóm của người bán dâm), Nhóm Gạch đầu dòng (tức nhóm của người sử dụng ma túy) và nhóm Về nhà (nhóm vợ và người tình của người sử dụng ma túy).

Phương châm hoạt động của “Liên minh CLB Về nhà” là gặp gỡ với người bán dâm, người nghiện ma túy, người tình và bạn đời của những người sử dụng ma túy để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. “Liên minh CLB Về nhà” là nơi những con người lầm lỗi ấy có thể đến để trút bầu tâm sự, chia sẻ về những mặc cảm mà họ đang phải đối mặt. Một thành viên của Liên minh CLB chia sẻ: “Đến đây rồi, gặp những người cùng cảnh ngộ chúng tôi có cảm giác được gần gũi nhau hơn. Chúng tôi có thể kết bạn, giao lưu, giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống. Không những vậy nếu có nhu cầu làm ăn chính đáng sẽ được hỗ trợ vay vốn, tạo thu nhập. Một hoạt động quan trọng nữa là họ sẽ được dạy cách giữ cho chồng, bạn tình không tái nghiện hoặc không bị lây nhiễm HIV”.

Có trực tiếp theo dõi các buổi sinh hoạt của Liên minh CLB này chúng tôi mới thực sự xúc động. Đôi khi những thành viên đến đây chỉ để được cười đùa, trút bỏ mọi phiền muộn đằng sau những lo toan, vất vả hàng ngày. Đến nay, địa chỉ này đã thu hút được hàng nghìn thành viên tham gia, trong đó có rất nhiều thành viên mẫn cán, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao phó. Tuy nhiên, để trở thành thành viên của liên minh là chuyện không hề đơn giản. Ngoài quy định bắt buộc là từ bỏ được ma túy ít nhất một năm trở lên, tinh thần trách nhiệm, tích cực hoạt động các phong trào thì phải có tinh thần chịu đựng “sắt đá”.

Những ngày đầu hoạt động, liên minh gặp không ít khó khăn, chịu rất nhiều lời dị nghị, phản đối từ phía gia đình các “thành viên tiềm năng”. Họ cho rằng, bản thân các chị từng là người nghiện, không đủ tư cách, phẩm chất để vận động con em họ từ bỏ. Thậm chí có người còn nói, để con em họ tham gia liên minh hoặc tiếp xúc với các thành viên khác lại là cơ hội để hút, chích ma túy nhiều hơn. Dần dần, liên minh tạo dựng được niềm tin, vị thế của mình. Hàng ngày chị Minh nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các gia đình có con em nghiện ma túy nhờ chị, nhờ nhóm giúp đỡ. “Đó là động lực to lớn với bản thân tôi và nhóm. Chính điều này đã khiến tôi ngày càng say mê hơn, tâm huyết hơn. Với những gì đã làm được, chính quyền địa phương đã hết sức tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi trong các hoạt động”, chị Minh tâm sự./.

Nguồn: tuoitredoisong