Khó khăn khi đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội Ngày đăng: 03/02/2018
Hiện nay, việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB) hiện còn gặp nhiều vướng mắc.

Thời gian vừa qua, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (đặc biệt là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo) quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hết sức khó khăn, do không thực hiện được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đặc biệt là đối tượng người nghiện ma túy). Quy định này không có tính khả thi, vì không có tổ chức xã hội nào đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể quản lý các đối tượng trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. 

Do quy định tại Điều 131 của Luật XLVPHC không thực hiện được nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 77/2014/QH13. Theo đó, các “địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB” (điểm 5 mục III). 

Theo Bộ Tư pháp, việc giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định pháp luật.

Về thẩm quyền, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy, các địa phương đang áp dụng không thống nhất, có nơi giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định đưa đối tượng vào cơ sở xã hội, có nơi giao Trưởng Công cấp xã nơi phát hiện đối tượng thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy quyết định việc đưa đối tượng vào cơ sở xã hội.

Về trình tự, thủ tục, theo quy định tại điểm 5 mục III Nghị quyết số 77/2014/QH13 thì Chính phủ chỉ đạo các “địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào CSCNBB”. Quy định đã nêu rõ đối tượng đưa vào CSXH là người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn có 2 cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, phải xác định rõ đối tượng là người nghiện ma túy và không có nơi cư trú ổn định thì mới đưa đối tượng vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, cứ phát hiện đối tượng thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép là có thể đưa vào cơ sở xã hội, sau đó mới xác định tình trạng nghiện và nơi cư trú của đối tượng.

Do vậy, việc áp dụng quy định về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.

Từ thực tế trên đây, theo Bộ Tư pháp, cần thiết phải bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 và 2 Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đặc biệt là đối tượng người nghiện ma túy) trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này nhằm bảo đảm tính khả thi. 

Đồng thời, sửa đổi các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99; điểm b khoản 1 Điều 101 và điểm a khoản 1 Điều 103 Luật XLVPHC theo hướng: Kiểm tra tính pháp lý là “khâu” cuối cùng, trước khi chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Bởi vì, hiện tại, theo các quy định nêu trên thì việc lập hồ sơ đối với các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện, sau đó, hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý. Sau khi kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện gửi hồ sơ cho Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp (tùy theo từng biện pháp) để Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính. 

Qua theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thấy rằng, các quy định nêu trên chưa thực sự hợp lý: Nhiều cơ quan cùng xem xét và có ý kiến đối với hồ sơ đề nghị dẫn đến kéo dài thời gian lập hồ sơ trước khi chuyển TAND cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Bên cạnh đó, sửa đổi các quy định về đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng tại khoản 3, khoản 5 Điều 90, khoản 4 Điều 92 và khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC cho thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Bởi vì, theo các quy định nêu trên thì các đối tượng nếu vi phạm lần thứ hai về các hành vi liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu (trộm cắp, lừa đảo...) thì sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì các đối tượng nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ đối với các tội như: trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS năm 2015); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015)... nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (mà sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính).

Bộ Tư pháp cũng đề xuất bổ sung quy định để bãi bỏ hình thức quản lý sau cai nghiện được quy định tại Luật Phòng, chống ma túy để thống nhất với quy định của Luật XLVPHC./.

Theo Tiếng chuông