Một số mô hình phòng, chống ma túy hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP Hải Phòng Ngày đăng: 13/02/2017
Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại thành phố Hải Phòng, việc xây dựng mô hình cai nghiện hiệu quả, giúp đỡ người cai nghiện thành công luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất tích cực của các Bộ, ngành, thành phố, địa phương, đơn vị và từng bước đạt được những kết quả tích cực, đã và đang được các cấp ngành quan tâm, các đoàn thể xã hội đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Trong đó, một số mô hình hoạt động rất hiệu quả, thiết thực.

* Mô hình “Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên” được thực hiện thí điểm từ năm 2011, trong đó, Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) và các đoàn thể xã hội là lực lượng chính của Mô hình , 4/7 thành viên Ban chủ nhiệm mô hình là Đội trưởng và tình nguyện viên Đội tình nguyện (đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm và là Đội trưởng Đội tình nguyện, 3 thành viên còn lại là lực lượng Công an, Y tế, Hội cựu chiến binh. Đội tình nguyện đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép với triển khai thực hiện mô hình phân công nhiệm vụ theo dõi, quản lý địa bàn và danh sách hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội tại điều kiện hòa nhập cộng đồng. Đội tình nguyện và các đoàn thể xã hội phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa phát sinh tệ nạn ma túy; tích cực phát hiện các hành vi vi phạm, tham mưu đề xuất với chính quyền các biện pháp ngăn chặn. Phối hợp tiếp cận, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy học nghề, cho vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, không tái nghiện ma túy, qua đó giảm tình trạng phức tạp, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn sinh sống.

 Từ năm 2011 đến nay, mô hình đã giúp đỡ và quản lý sau cai cho 90 người tái hòa nhập cộng đồng; vận động 21 người nghiện vào cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm; lập 121 hồ sơ giáo dục tại xã cho người nghiện ma túy; tổ chức tư vấn cho 115 lượt người, tạo việc làm tại địa phương cho 42 trường hợp.

* Mô hình Câu lạc bộ “Kết nối thành công” thuộc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (Gia Minh) được thành lập từ năm 2013. Đến nay, Câu lạc bộ có 40 hội viên sau ba đến mười năm không tái sử dụng ma túy (trong đó 04 người giữ sạch được 10 năm; 20 người giữ sạch được 7 – 8 năm). Câu lạc bộ có 07 cơ sở nhà xưởng, cửa hàng, trang trại như: xưởng mộc, xưởng cơ khí, cửa hàng sửa chữa xe đạp điện... đều làm ăn ổn định và hiệu quả, tiếp tục tiếp nhận học viên đã cai nghiện tại Trung tâm vào làm việc. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn tích cực vận động người nghiện đi cai nghiện tại trung tâm, tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý, giao lưu chia sẻ động viên những học viên đang chữa trị cai nghiện tại trung tâm. Những nhân tố điển hình cai nghiện thành công, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế như:  anh Đổng Tú Bình – xã Hưng Đạo, quận Dương Kinh hồi gia về không có việc làm và nghề nghiệp ổn định, đã được Trung tâm giúp đỡ 10 con lợn, 03 con bò đến nay trang trại của anh đã nhân rộng và kinh tế ổn định. Anh Đoàn Hữu Mai – xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên được trung tâm giúp đỡ làm mới nhà xưởng cơ khí trị giá một trăm triệu đồng, đến nay xưởng phát triển tốt nhận được nhiều đơn hàng, tạo việc làm cho 06 hội viên với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Lâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối thành công. Trong 10 năm qua, anh Lâm luôn kiên trì giữ vững cho bản thân không tái nghiện ma túy và hiện là chủ cơ sở sửa chữa ôtô, xe máy tại số 10 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh việc kết nối các thành viên trong câu lạc bộ anh còn nhận 03 thành viên vào làm tại cơ sở của mình với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng, năm 2015 anh tiếp nhận thêm hội viên Nguyễn Công Tiến vào làm việc tại cơ sở với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

* Mô hình Câu lạc bộ “S-A” của Đoàn phường Gia Viên, quận Ngô Quyền được thành lập từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ là chăm sóc, cảm hoá những thanh niên đã cai nghiện ma tuý từ các trung tâm hoặc người có HIV tự nguyện tham gia hoạt động; hỗ trợ cắt cơn cho những bạn có nhu cầu cắt cơn tại gia đình hoặc tại nhà của thành viên câu lạc bộ. Câu lạc bộ hiện có 64 người (thành viên chính thức là 12 người và cộng tác viên là 52 người); trong đó 11 thành viên từ bỏ được ma túy (người gần nhất là 6 năm, người lâu nhất là 10 năm). Điển hình cai nghiện thành công như: Anh Đoàn Lộc, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “S-A” là người giữ cho bản thân không tái nghiện trong 10 năm qua. Anh luôn kiên trì, cố gắng thuyết phục và trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ 7 người cắt cơn tại câu lạc bộ; tư vấn giới thiệu 02 người tham gia điều trị thay thế bằng Methadone; giới thiệu 7 người đến các dịch vụ y tế để xét nghiệm miễn phí HIV.... Anh Phạm Ngọc Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “S-A”. Trong 10 năm hoạt động, anh luôn tự nêu gương cai nghiện thành công của mình để cảm hóa các thành viên gia nhập câu lạc bộ cai nghiện ma túy, một mặt anh tổ chức nhiều hoạt động để thu hút các thành viên tham gia như: mô hình “Kinh doanh nước lọc tinh khiết”; thành lập Câu lạc bộ Cầu vồng làm sân chơi cho con của những người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV, bị mồ côi cha, mẹ sống khó khăn với ông, bà, người thân và kêu gọi sự tài trợ kinh phí từ những tấm lòng hảo tâm để giúp các cháu được ấm lòng khi tết đến, xuân về. Năm 2014, anh tham gia Dự án “Cải thiện chính sách và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy tại Hải Phòng” do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế tổ chức. Với nỗ lực vận động và thuyết phục của mình, anh Tân đã giúp cho 37 người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn, giới thiệu và chuyển gửi các dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV miễn phí, điều trị methadone, giới thiệu việc làm và sử dụng các dịch vụ y tế sẵn có tại cộng đồng, ghi nhận thành tích đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tặng bằng khen cá nhân điển hình xuất sắc do những đóng góp tích cực của anh Phạm Ngọc Tân vào thành công của Dự án tại Hải Phòng.

Thông qua hoạt động của mô hình, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật, tiếp cận với các nguồn lực xã hội, được hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến sức khỏe, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, được khám chữa bệnh và được hưởng các dịch vụ xã hội vay vốn ưu đãi, học nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, qua đó giảm tình trạng phức tạp, đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn thí điểm mô hình.

T. H