Tăng cường truyền thông phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên Ngày đăng: 15/02/2017
Ngày 10⁄2⁄2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 21⁄UBND về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mua bán người năm 2017, trong đó tập trung vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.

Trong năm 2017, với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người; phấn đấu chuyển tải 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đã ban hành thành tài liệu tuyên truyền, phát hành đến các xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cấp cơ sở, Thái Nguyên đã đưa ra những giải pháp để thực hiện như:

Sở Tư pháp chủ trì, tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh xây dựng kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 của tỉnh để các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện. Tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn và thực hiện đúng quy định về công tác đăng ký quản lý hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài và công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài tăng thời lượng phát sóng, tin bài, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (ít nhất 01 tháng/01 lần).

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng” kết hợp sơ kết các mô hình truyền thông ở cơ sở bền vững, hiệu quả và các trung tâm tư vấn hôn nhân để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng hỗ trợ và tư vấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để có đủ năng lực, trình độ, kiến thức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 130/CP ở cơ sở. Trong đó, tập trung hướng dẫn “Bộ tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người”. Duy trì tốt hoạt động của Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về thi hành Luật Phòng, chống mua bán người và truyền đạt kỹ năng sống nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết tránh bị lợi dụng, lừa gạt trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý văn hóa, du lịch, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trong phòng, chống tội phạm mua bán người và xâm hại tình dục trẻ em.

 

 

Thường xuyên đổi mới các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức như gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp, cung cấp tài liệu, tọa đàm, thi tìm hiểu, hoạt động văn hóa, du lịch, sinh hoạt cộng đồng… tập trung vào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và các địa bàn đã xảy ra các vụ án mua bán người…; từ đó chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động; quan tâm động viên, biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; gắn với các đợt sinh hoạt chính trị, các phong trào thi đua do các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.

K. N